Khó hiểu việc Hà Nội ồ ạt đổi đất lấy hạ tầng
Khi những “lỗ hổng” BT chưa có biện pháp khắc phục, thì Hà Nội vẫn tiếp tục xin bổ sung các dự án BT để triển khai trong giai đoạn mới.
Ồ ạt đổi đất lấy hạ tầng
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường nối Lê Trọng Tấn và Vành đai 3, quận Thanh Xuân theo hình thức Hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao) xây dựng tuyến đường dài 2,85km với tổng vốn đầu tư 1.412 tỷ đồng. Đổi lại, chủ đầu tư được thành phố Hà Nội trả cho quỹ đất rộng 39,8ha thuộc phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Đây chỉ là 1 trong 5 dự án đổi đất lấy hạ tầng vừa được Hà Nội đồng ý phê duyệt mà không qua đấu giá.
Quỹ đất rộng gần 40ha tại phường Đại Mỗ được đánh giá là “đất vàng” tại Hà Nội khi giá trị cả khu đất ước tính lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo giá đất được rao bán tại các trang bất động sản thì hiện nay, giá đất trung bình tại phường Đại Mỗ dao động ở mức 30-50 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Như vậy, chỉ làm một phép tính đơn giản cả lô đất rộng 39,8ha tại Đại Mỗ trừ đi 40% công trình công cộng sẽ còn khoảng 24ha, giá trị khoảng 7.200-12.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nếu tính theo mức giá mà Hà Nội đổi cho chủ đầu tư thì trung bình mỗi mét vuông đất ở phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm chỉ có giá khoảng 3,5 triệu đồng. Mức giá này chênh lệch so với giá thị trường từ 8,6 -14,2 lần.
Hay như đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài, nhà đầu tư bỏ hơn 700 tỷ đồng xây 5km. Đổi lại, Hà Nội bố trí hơn 197ha để nhà đầu tư xây dựng khu đô thị. Giá đất ở đây được tính là 8,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, sau khi xây xong tuyến đường, giá đất ở khu vực này đã tăng 5 -7 lần. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi liệu có lợi ích nhóm ở đây không?
Việc Hà Nội liên tục triển khai các dự án đổi đất lấy hạ tầng khiến nhiều người không khỏi lo ngại, nếu cứ đổi đất “rẻ mạt” như thế này thì chẳng mấy chốc quỹ đất phục vụ nhu cầu của người dân, phục vụ các mục đích công cộng sẽ chẳng còn. Thu hồi đất đai của người dân rồi chuyển giao cho doanh nghiệp với giá bèo, sau đó doanh nghiệp lại bán chính mảnh đất đó cho người dân với giá cao khiến Nhà nước và người dân cùng bị thiệt.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện dự án theo hình thức này nhiều nơi không hiệu quả. Vì những công trình như vậy, đất phải đổi cho chủ đầu tư rất nhiều nhưng chất lượng lại thấp, đòi hỏi chi phí bảo dưỡng về sau rất lớn làm tăng khoả chi của ngân sách Nhà nước cho hoạt động này.
Lợi dụng đổi đất để tham nhũng?
Mặc dù UBND thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chính thức lên tiếng về việc triển khai các dự án BT đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, lý giải này vẫn chưa làm an lòng dư luận, bởi các “lỗ hổng” BT của Hà Nội đã từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra.
Cụ thể, ngày 19/7/2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tại thời điểm thanh tra, trong số 15 dự án BT nhưng chỉ có 1 dự án được thực hiện theo hình thức đấu thầu, 14 dự án còn lại chỉ định thầu.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT đã được UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm tăng chi phí đầu tư. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu truy thu hàng tỷ đồng chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.
Câu hỏi đặt ra ở đây, mặc dù đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm nhưng tại sao Hà Nội vẫn tiếp tục xin chủ trương, bổ sung các dự án BT để triển khai trong giai đoạn mới?.
Trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này, bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội cho hay, việc xã hội hóa để huy động nguồn lực của xã hội là cần thiết nhưng không thích hợp với các thành phố lớn. Không phải đổi chỗ nào cũng được, cần phải xem xét vị trí cụ thể. Phải minh bạch và phải đổi ngang giá và đúng giá, đổi ở đâu, đổi như thế nào, giá cả bao nhiêu, tiêu chí đổi như thế nào? Phải công khai năng lực tài chính và các thông tin cụ thể của chủ đầu tư để cho dân giám sát.
“Phải giám sát chặt vì nhiều người đã lợi dụng chuyện đổi đất lấy hạ tầng để làm sai. Nhiều thành phố đã mất nhiều “đất vàng” vì đổi đất lấy hạ tầng. Nghe thì rất hay nhưng đi vào thực tế lại rất dở, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và người dân lại rất thiệt. Vấn đề đổi đất lấy hạ tầng thường không minh bạch, thiệt hại rất lớn cho Nhà nước và người dân”, bà An khẳng định.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường cho rằng, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” đã bộc lộ nhiều bất cập và có sự nhập nhèm về giá trị. Khu đất đem đổi thường bị tính giá rất thấp. Thậm chí, nhiều nơi chỉ đổi ngang đất nông nghiệp.
Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập này là việc xây dựng pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏng lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp nên để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng. Vì thế, theo GS. Đặng Hùng Võ, ở những nơi phát triển đô thị mạnh như Hà Nội và TP.HCM nên dừng hoàn toàn việc đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó là cơ chế đấu giá đất, lấy tiền để xây dựng hạ tầng./.
Ánh Phương/Báo Tiếng nói Việt Nam