Khi những khối bê tông thô cứng tỏa sáng, đẹp theo một cách rất riêng trong Concrete Light House
Để mô tả về Concrete Light House, bạn có thể sử dụng những từ như “độc lạ, phi thường, khác biệt, khó tưởng… và tuyệt đẹp”. Ngôi nhà này tọa lạc ở Singapore và sở hữu 1 lớp vỏ bê tông với các ô chữ nhật khổng lồ giúp ánh sáng có thể tràn vào không gian sống bên trong.
Ý tưởng của đội ngũ KTS: ngôi nhà hướng nội với lớp vỏ bê tông theo nghệ thuật điêu khắc
Concrete Light House chính là minh chứng rõ rệt nhất cho độ dẻo cũng như kết cấu của bê tông có thể gây ấn tượng đến mức nào. Mỗi một khu vực có sự xuất hiện của bê tông trong công trình này đều mang nét độc đáo rất riêng, tuân theo chủ đích của đội ngũ KTS.
Ở giai đoạn đầu của quá trình thiết kế, việc chế tạo mô hình đã được thực hiện kỹ càng. Bước này giúp các KTS nghiên cứu về chức năng hình học, cấu trúc của công trình trong thực tế, cùng với đó là mô đun và độ xốp của bê tông. Mô hình được tạo thành từ các dải gỗ balsa theo chiều dọc và ngang, đại diện cho cột bê tông, dầm và phần mái thông hơi. Khi áp dụng vào thực tế, các đặt điểm cấu trúc được tuân thủ một cách nghiêm ngặt tạo nên sự phân chia hoàn hảo cho không gian.
Theo như chia sẻ của KTS: bản thiết kế đã tạo nên một ngôi nhà hướng nội, tầm nhìn ra ngoài không bị giới hạn. Lớp vỏ bê tông không chỉ giúp kiểm soát ánh sáng mặt trời mà còn tạo ra sự riêng tư cần có cho các thành viên ở bên trong nhưng không tạo ra sự bí bách.
Đội ngũ KTS sử dụng bê tông để định hình công trình: dạng mái vòm được điêu khắc trừu tượng, tạo ra sự cân bằng trong thị giác chứ không gây cảm giác choáng ngợp, áp đảo. Lớp vỏ bê tông bao bọc toàn bộ ngôi nhà, từ phần chân cho đến mái. Mở rộng hơn về phía chiều dài của công trình để bao bọc hồ bơi và tạo ra những cái bóng phản chiếu đẹp mắt.
Cách bố trí không gian chức năng khoa học, xóa nhòa ranh giới trong – ngoài với những mảnh xanh tươi mát
Để tạo ra sự thông thoáng và lồng ghép yếu tố tự nhiên vào không gian, hầu hết các khu vực chức năng đều được bố trí ở cạnh bể bơi. Ở phía sau nhà, KTS cũng bổ sung thêm 1 tầng lửng: vừa tăng tính tiện lợi trong sinh hoạt, vừa tăng cơ hội tương tác giữa các thành viên. Gian phòng khách, phòng ăn và khu bếp có chiều cao trần gấp đôi nhằm giảm bớt sự phân biệt không gian trong – ngoài.
Trong Concrete Light House, bể bơi được xây dựng theo kiểu nửa ngoài trời. Bằng cách đó, bể bơi trở thành 1 phần trong nhà chứ không bị tách biệt hẳn ra ngoài. Ranh giới trong ngoài cũng gần như được xóa bỏ nhờ tường kính và những phần cửa rộng.
Chất liệu bê tông không chỉ được dùng để dựng lớp vỏ mà còn được ứng dụng trong không gian như sàn và tường gạch bê tông trần. Gỗ Teak được dùng để ốp sàn phòng ngủ tạo ra cảm giác ấm cúng. Một số vật liệu ở địa phương cũng được ứng dụng trong Concrete Light House như tấm lam gỗ hay kim loại nhưng được biến tấu theo phong cách mới, tạo nên sự mạnh mẽ cho không gian với những khoảng hở hào phóng.
Mối quan hệ với tự nhiên càng được tăng cường thông qua việc bổ sung chậu cây ở các góc cửa, đặt biệt là sân thượng và phòng tắm. Thậm chí, cây xanh còn tràn ra các ô vuông ở lớp vỏ giúp làm giảm đi sự thô cứng của bê tông.
Chẳng chạy theo một xu hướng thời thượng nào, điều mà đội ngũ KTS hướng đến chính là đáp ứng được nhu cầu của gia chủ, phù hợp với thời tiết, khí hậu và văn hóa. Và cũng chính vì vậy, Concrete Light House chẳng sợ lỗi thời, công trình vẫn luôn độc đáo theo cách riêng với sự thoải mái, riêng tư cho cả gia đình.
Thông tin chi tiết công trình:
Đơn vị thiết kế: HYLA Architects
Diện tích: 491.0 m2
Địa điểm: Singapore
Năm dự án: 2018
Nhà cung cấp: Unique Home Design & Construction
Kỹ sư cấu trúc: Thymn Pte Ltd
Nhà thầu chính: Emma Groups Construction Pte Ltd
Nhà thầu cảnh quan: Green Forest Landscape Pte Ltd
Ảnh: Derek Swalwell
Thu Hằng/Happynest