Khai mạc Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển”
Ngày 4/6, tại Khách sạn Lotte, Hà Nội, Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và Phát triển” do UBND TP Hà Nội tổ chức đã khai mạc với sự tham dự của gần 800 đại biểu trong và ngoài nước. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng trên 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ có chuyển biến nhanh chóng, đúng hướng, xứng đáng với niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước.
Muốn như vậy, chính quyền Thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính.
Trong xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo Thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.
Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, cộng hưởng những lợi thế sẵn có. Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ.
Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu về công tác quy hoạch đối với Hà Nội, với quan điểm quy hoạch của một thành phố không phải là một bản vẽ kỹ thuật mà phải là sự tổng hòa của các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. “ Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”, Thủ tướng nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc Hội nghị.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực, Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu và những đột phá trong nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời cam kết thực hiện các nội dung sau:
Một là, đảm bảo kinh tế tăng tưởng nhanh, bền vững, đồng thời chú trọng đến an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường. Đảm bảo sự công bằng, nhanh chóng, thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.
Hai là,cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, trong đó tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy thu hút nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển và hiện thực hóa các cơ hội trong hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ba là, khuyến khích nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chất lượng cao để sẵn sàng hội nhập và phát triển.
Bốn là, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng khung: giao thông, cấp, thoát nước, điện, viễn thông,… tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh.
Năm là,đảm bảo sự phát triển hài hòa trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô, tăng cường hợp tác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, tạo chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất thị trường.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại Hội nghị.
Giới thiệu tổng quan về thu hút đầu tư của TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định: Kế thừa thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới, Hà Nội bước vào giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô: Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực. Triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã đề ra các chương trình cho trước mắt, cho trung hạn và dài hạn.
Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá: Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đề ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu đến năm 2020, cụ thể: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%; năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 – 75%; tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.
Để thực hiện những mục tiêu cụ thể đó, Thành phố đã định hướng đầu tư như sau: Một là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm (như cải tạo mở rộng quốc lộ 1 cũ, đường 6, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); hệ thống đường vành đai: vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5; một số trục đô thị lớn, kết nối hạ tầng giao thông; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Các dự án hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Các dự án dịch vụ đô thị như: công viên (xây dựng mới 25 công viên trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; cây xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), cấp, thoát nước,… Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho các dự án hạ tầng nông thôn, chú trọng nước sạch nông thôn. Triển khai thu hút đầu tư thực hiện dự án đô thị trục Nhật Tân – Nội Bài; các đô thị vệ tinh. Phát triển các khu đô thị mới, đồng thời cải tạo, chỉnh trang đô thị. Khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Hai là, đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hạ tầng du lịch; hạ tầng phát triển nông nghiệp sạch, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là, đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến.
Quan điểm đầu tư của Thành phố là: Kết nối với nguồn đầu tư của Ngân sách Trung ương trên địa bàn, Ngân sách Thành phố chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung; những dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội có tính chất lan tỏa; những dự án chỉ nhà nước tham gia quản lý như an ninh, quốc phòng; những dự án đặc thù về kỹ thuật: ví dụ như đầu tư sản xuất mạng điện, mạng lưới truyền dẫn, tư nhân sẽ đầu tư vào mạng lưới bán lẻ. Thành phố đặc biệt coi trọng và kêu gọi đầu tư xã hội xã hội theo nhiều hình thức.
Cũng tại hội nghị, ông Chung đã thông qua danh mục các dự án Hà Nội dự kiến kêu gọi đầu tư với các nội dung thông tin mà ngay sau Hội nghị này các nhà đầu tư có thể đăng ký triển trai các thủ tục thực hiện đầu tư.
Cụ thể, danh mục các dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) giai đoạn 2016-2020 (Đợt 1). Tập trung trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, y tế, khu công nghệ cao… Thành phố giới thiệu 52 dự án và tổng mức đầu tư (dự kiến): 338,725 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 16 tỷ đôla Mỹ): Bao gồm 35 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; 5 dự án thuộc lĩnh vực y tế; 12 dự án thuộc lĩnh vực nước sạch nông thôn.
Về danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa. Tổng số 43 dự án – Tổng mức đầu tư dự kiến là 372,25 nghìn tỷ đồng, bao gồm: 15 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp thương mại dịch vụ; 5 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật; 10 dự án thuộc lĩnh vực nhà ở; 11 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng xã hội…
Thay mặt UBND TP Hà Nội, ông Chung khẳng định, cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện của đất nước, Thành phố Hà Nội sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt các biện pháp để mở cửa cho đầu tư kinh doanh, và chúng tôi muốn mọi thứ đơn giản, hấp dẫn nhất có thể, để các bạn đầu tư, kinh doanh lâu dài, ổn định, cùng có lợi. Đó là điều Hội nghị lần này hướng tới.
Thành phố Hà Nội cam kết nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo, trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác với các bạn để cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển. Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đã, đang và sẽ quan tâm tới tiềm năng, lợi thế và chung tay cùng xây dựng Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một quốc gia hòa bình, hữu nghị, năng động và phát triển, thực sự trở thành điểm đến đầu tư an toàn và thành công của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, đại diện một số tổ chức quốc tế, đại diện các đại sứ quán, các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố có tham luận, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư vào Hà Nội, tạo ra môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn.
Cũng tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội đã ký kết: Biên bản ghi nhớ, hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, nhà đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ với các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng hợp tác triển khai các chương trình an sinh xã hội như: Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Quy chế phối hợp về hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế – xã hội Thủ đô với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc phối hợp đẩy mạnh phát triển viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel); Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư về việc đầu tư hạ ngầm hệ thống đường dây viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) – Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Tổng Công ty Viễn thông Mobifone – Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội; Biên bản ghi nhớ hợp tác về nghiên cứu phát triển vùng trồng rau sạch và chuỗi cung cấp rau sạch cho người dân Thành phố với Tập đoàn Vingroup; Biên bản ghi nhớ với ADB về việc hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng Kế hoạch hành động để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực tại Singapore và Israel; hỗ trợ nguồn vốn vay cho thành phố Hà Nội đến năm 2020…
Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND TP đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 nhà đầu tư, với 16 dự án có vốn đầu tư trong nước và 7 dự án đầu tư nước ngoài, thuộc các lĩnh vực: viễn thông, hạ tầng đô thị cấp nước, công viên, khu vui chơi giải trí, nhà ở, y tế và dịch vụ thương mại.
Để ghi nhận các doanh nghiệp đã có thành tích trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội trong thời gian qua và đặc biệt là trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định tặng Bằng khen cho 10 doanh nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã Quyết định tặng Bằng khen cho 20 doanh nghiệp.
Quốc Bình/Báo Xây dựng