31/05/2019

Khắc phục bất cập trong quản lý đất đai

Như tin đã đưa, một trong những nội dung được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm nhất trong Kỳ họp lần này là Báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.

Trong buổi kết luận phiên thảo luận mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước. Trong những năm qua, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị nhìn chung khá đầy đủ, kịp thời, bao quát trên nhiều lĩnh vực, đã cụ thể hóa cơ bản các chủ trương của Đảng, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước, các thông lệ quốc tế, chất lượng văn bản từng bước được nâng lên tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước

Đồng thời, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, quản lý đất đai đô thị, hạn chế thất thoát, lãng phí. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị đã góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các mặt đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng chỉ rõ những bất cập cần phải nghiên cứu, bàn thảo để khắc phục đó là: Thứ nhất, mặc dù việc ban hành các chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là tích cực và cơ bản. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp lý khá đầy đủ, song vẫn còn một số hạn chế, bất cập, yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật như Đoàn giám sát đã nêu trong báo cáo, cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.

Thứ hai, các đại biểu cũng chỉ ra vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém như: Tình trạng chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu đồng bộ, thiếu tầm nhìn dài hạn, dẫn tới điều chỉnh quy hoạch nhiều lần; quy hoạch treo. “Việc giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất được thực hiện chưa nhiều; hình thức chỉ định nhà đầu tư còn khá phổ biến, hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất trái phép vẫn xảy ra ở các mức độ khác nhau.

Các phương pháp xác định giá đất cụ thể còn bất cập, giá đất được xác định chưa sát giá thị trường. Việc sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) chưa được quy định rõ ràng, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản công. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa bảo đảm công bằng, hợp lý. Việc quản lý, sử dụng đất còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích”- Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

B.D/Lao động Thủ đô