Jan Gehl: Các thành phố cứ quy hoạch để giảm tắc đường là hoàn toàn sai lầm, đây mới là điều họ cần quan tâm
Trong hàng trăm năm qua, Venice đã thu hút nhiều khách du lịch bởi những con phố đi bộ, những ngõ hẻm chật hẹp và hệ thống kênh đào nên thơ riêng của mình. Khách du lịch ở đây có thể tụ tập trên những quảng trường, ngồi trong các quán cà phê ngoài trời hay ngắm nhìn những di tích lịch sử.
Theo kiến trúc sư Jan Gehl người Đan Mạch, Venice là một ví dụ điển hình cho môi trường sống phù hợp, một đô thị được thiết kế nhằm phát triển mạnh đời sống cộng đồng cũng như cá nhân, một thành phố thân thiện với người dân.
Jan Gehl [Không gian công cộng nhằm thay đổi Cuộc sống công cộng]
Với tình trạng dân số bùng nổ như hiện nay khi 66% số người dân toàn cầu sẽ sống tại các đô thị vào năm 2050, ông Gehl cho rằng một thành phố thân thiện với người dân là điều vô cùng quan trọng.
Để làm được điều đó, những nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư hay các chuyên gia phải đưa người dân làm trung tâm của tư tưởng thiết kế cũng như xây dựng thành phố. Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng nhiều thành phố trên thế giới thay vì quan tâm đến người dân lại đi tập trung quy hoạch theo “xe cộ”.
Thay vì chú trọng vào nhu cầu của người dân, những nhà quy hoạch lại để ý làm sao cho thành phố chứa được càng nhiều xe càng tốt, chạy xe không bị tắc đường, có nhiều chỗ đỗ xe hơn…
Kiến trúc sư Gehl không đồng ý với cách quy hoạch như vậy, theo ông các kiến trúc sư cần làm cho thành phố trở nên dễ sống, lành mạnh, an toàn và bền vững hơn thay vì chỉ quan tâm đến giao thông như vậy.
Với những kinh nghiệm của mình, dưới đây là 5 vấn đề mà các thành phố hiện nay nên lưu ý khi quy hoạch.
Venice
1- Ngừng kiểu quy hoạch “tận dụng giá xăng rẻ”
Đối với ông Gehl, hai vấn đề biến đổi khí hậu và sức khỏe người dân nên được các nhà quy hoạch lưu tâm từ thời điểm hiện nay.
Trong suốt 50 năm qua, các nhà quy hoạch trên toàn thế giới hầu như đã đi theo lối mòn và ép buộc người dân phải ngồi trong các tòa nhà văn phòng, ngồi trên phương tiện giao thông hay phải ở trong nhà. Thành phố hầu như không xây dựng nhiều chỗ vui chơi hay để người dân có cơ hội tham gia các hoạt động ngoài trời.
Hầu như tất cả những thành phố lớn hiện nay đều ngập trong những tòa nhà cao tầng, đường cao tốc, tàu điện ngầm…mà không thể có một môi trường sống nên thơ như Venice.
Tất nhiên cuộc sống khá sôi động và không thể bắt mọi thành phố quy hoạch như Venice, nhưng việc ép buộc mọi người lao đầu vào công việc và di chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Ông Gehl cho rằng sự phổ biến của các phương tiện giao thông và giá xăng rẻ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến quy hoạch thành phố trong suốt 60 năm qua. Họ xây những khu vực ngoại ô rộng lớn, những khu đô thị nằm ven các trung tâm và cho rằng mọi thứ như thế là hợp lý bởi người dân có thể dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện giao thông.
Dẫu vậy, nếu giá xăng không còn rẻ, kiểu quy hoạch này sẽ trở nên rất tệ. Hơn nữa, tạp chí y tế The Lancer đã từng khảo sát và cho thấy những người sống ở trung tâm đô thị có tuổi thọ cao hơn những người sống tại các khu đô thị ven trung tâm. Nguyên nhân là những người ở trung tâm đô thị đi bộ nhiều hơn trong khi người dân sống ở ngoại vi lại đi xe nhiều hơn.
Brasilia
2- Thúc đẩy đời sống cộng đồng
Năm 2009, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch phát động chiến dịch biến thành phố thành nơi đáng sống nhất trên thế giới. Theo đó, những nhà quy hoạch đô thị cho rằng người dân nên bước ra khỏi nhà, khỏi văn phòng và khỏi chiếc xe hơi của họ nhiều hơn. Việc đi bộ quanh thành phố, thăm quan những khu vực công cộng sẽ cải thiện được đời sống cộng đồng trong xã hội.
Với quan điểm này, người dân có thể bảo vệ được môi trường hơn khi tiêu tốn ít điều hòa và xăng xe hơn. Họ cũng sẽ gắn kết với cộng đồng hơn cũng như có sức khỏe tốt hơn nhờ vận động.
Hơn thế nữa, nhiều người đi bộ và tận hưởng vẻ đẹp của thành phố cũng khiến an ninh trở nên tốt hơn cũng như thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Nhờ kiểu quy hoạch này, mọi người trong thành phố có thể gặp nhau trực tiếp nhiều hơn là phải nói chuyện qua các ứng dụng liên lạc hoặc điện thoại, nhờ đó cải thiện môi trường sống.
Copenhagen [xem thêm]
3/ Tạo những trải nghiệm mới một cách tối đa cho người dân
Thời kỳ sơ khai, loài người là một giống động vật đi trên đất và các giác quan của loài người khi đó được thiết kể để chỉ để cảm nhận những chuyển động chậm, vào khoảng 4,8 km/giờ.
Vì vậy, ông Gehl cho rằng một quy hoạch hợp lý cần dựa trên các giác quan của con người và tạo những trải nghiệm tối đa cho người dân.
Trong nhiều năm, con người đã bỏ qua những trải nghiệm vốn có để quy hoạch thành phố tập trung vào giao thông. Hiếm có thành phố nào như Venice, nơi người dân có thể đi bộ chậm rãi và hưởng thụ những trải nghiệm, những cảm giác mới lạ từ môi trường sống xung quanh.
Venice
4- Thiết kế hệ thống giao thông giá rẻ
Công bằng xã hội hiện nay là điều khó đạt được khi nhu cầu bất động sản tăng cao còn giá nhà thì nóng lên từng ngày.
Nghe có vẻ nực cười, nhưng chính yếu tố này cùng với sự bất bình đẳng thu nhập xã hội đã đẩy những người thu nhập thấp ra các vùng ngoại ô, qua đó buộc họ phải chi tiêu nhiều hơn cho việc di chuyển vào trung tâm để làm việc.
Vì vậy, các nhà quy hoạch nên tạo điều kiện cho những loại giao thông giá rẻ và cố gắng giúp những người thu nhập thấp giảm chi cho giao thông, tạo nên một môi trường sống thoải mái hơn.
Bogota [xem thêm]
5- Cấm xe hơi
Rõ ràng, thời kỳ hoàng kim của xe hơi đã qua. Sau khi tăng trưởng số lượng xe hơi trên toàn thế giới đạt đỉnh vào năm 2009, chúng đã dần giảm tốc thời gian sau đó.
Hãy nhìn Singapore để thấy xe hơi không phải là lựa chọn tốt nhất cho quy hoạch những thành phố lớn. Diện tích đất nơi đây đã hết và chả còn chỗ cho những chiếc xe hơi. Thay vào đó, đi bộ và xe đạp lại là những giải pháp hữu hiệu hơn cả.
Singapore [xem thêm]
Theo ông Gehl, những giải pháp như ô tô tự hành không giúp giải quyết được vấn đề thiếu không gian hay không thân thiện với đời sống người dân. Thay vào đó, các nhà quy hoạch nên hướng tới việc loại bỏ xe hơi và sử dụng những phương tiện giá rẻ khác. Việc quá chú trọn vào dòng xe tự động hay xe điện hay những sản phẩm tương tự chỉ có lợi cho ngành ô tô mà chẳng lợi ích gì cho đời sống người dân.
Hoàng Nam
(Trí Thức Trẻ)