Ì ạch giãn dân phố cổ
Chủ trương giãn dân khu vực phố cổ được TP Hà Nội phê duyệt sau 20 năm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
UBND TP Hà Nội mới đây đã giao quận Hoàn Kiếm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án di dời dân phố cổ, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư để hoàn thiện thủ tục triển khai giai đoạn 2 dự án này (dự kiến quý IV/2019).
Ấp ủ hơn 20 năm ròng
Theo đó, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban Quản lý phố cổ được giao nhiệm vụ tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp giãn dân trên địa bàn 10 phường của quận. Việc rà soát này sẽ làm cơ sở để xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, bồi thường với các trường hợp nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc.
Đề án giãn dân phố cổ, với mục tiêu di chuyển hơn 6.500 hộ dân với khoảng 27.000 người đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 1998 và dự kiến kết thúc vào năm 2020. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của đề án giãn dân phố cổ (từ năm 2012 – 2015) được thực hiện trên diện tích đất hơn 11 ha tại khu đô thị (KĐT) Việt Hưng, quận Long Biên.
Tổng vốn đầu tư dự kiến 3.964 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách 166,3 tỉ đồng, số căn hộ để bố trí cho các hộ dân phố cổ khoảng 1.800 căn. Trong giai đoạn này sẽ di chuyển các hộ dân thuộc đối tượng: Sống trong các di tích (562 hộ), sống trong các công sở (148 hộ) và trường học (39 hộ); dân sống trong các nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các nhà do nhà nước quản lý có mật độ quá cao và các hộ dân tự nguyện di chuyển (781 hộ).
Năm 2002, Hà Nội lên kế hoạch khởi công xây dựng dự án nhà ở giãn dân phố cổ tại KĐT Việt Hưng. Tuy nhiên, đến năm 2013 khi giai đoạn 1 dự án nhà ở giãn dân được hoàn thiện chỉ di dời được khoảng 7.000 nhân khẩu, tương đương 1.500 hộ dân, đến nơi ở mới, nhu cầu cần di dời còn lại rất lớn, gấp nhiều lần quy mô dự án giai đoạn 1 thì kế hoạch này gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
HĐND TP Hà Nội cho rằng dự án này bao gồm nhiều trường hợp chính sách khác nhau nên việc đưa ra các cơ chế còn chưa thống nhất. Bên cạnh đó, dự án xây dựng nhà ở giãn dân chưa có số liệu diện tích, giá bán; chưa có cơ chế quy đổi phù hợp để thông báo tới các hộ dân.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đề án xây dựng khu giãn dân bị chậm là do nhà đầu tư không có năng lực tài chính, dính đến sai phạm, lừa đảo, nhiều trường hợp đã bị cơ quan pháp luật khởi tố.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của dự án nhà ở giãn dân phố cổ cần quỹ đất để thực hiện xây nhà và chuyển dịch cho khoảng 5.000 hộ dân. Dự án sẽ được triển khai tại các KĐT khác nhau do TP bố trí quỹ đất. Phía UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ưu tiên di dời các hộ dân đang sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp, sinh sống tại các di tích, trường học, cơ quan – công sở nhà nước đi trước.
Cần giải pháp phù hợp
Theo tìm hiểu, hiện nay tại KĐT Việt Hưng mặc dù có nhiều tòa nhà thương mại, nhà tái định cư đã được xây dựng nhưng KĐT dành cho việc giãn dân phố cổ vẫn chưa được khởi công. Khu vực này hiện vẫn là những bãi đất hoang. Theo một lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, quận đang trình TP phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án, dự kiến triển khai KĐT giãn dân Việt Hưng trong năm 2019. Quận Hoàn Kiếm cũng đã di dời được 200 hộ dân với 1.000 nhân khẩu trong khu phố cổ. Chủ yếu là các hộ dân ở trong di tích đền, chùa hay trường học.
Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đánh giá đề án giãn dân phố cổ của Hà Nội là đúng nhưng lại chưa nhận được ủng hộ của người dân. Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp để giới thiệu, phổ biến về đề án này nhưng cách làm của TP lại chưa hợp lý.
“Khu phố cổ được ví như “con gà đẻ trứng vàng”, “đất vàng”, nhiều thế hệ người dân Hà Nội sinh sống, làm ăn ở đây, nếu di chuyển ra khu vực khác sẽ không thể làm ăn như hiện tại được nên họ không mặn mà với việc di dời. Trong giai đoạn 1 của đề án giãn dân này, nhiều hộ dân đã nhận nhà nhưng sau đó lại quay trở lại khu phố cổ để sinh sống” – ông Đức nêu thực tế và cho biết nếu muốn người dân phố cổ đồng ý di chuyển hẳn ra bên ngoài TP Hà Nội cần có giải pháp, cơ chế phù hợp và quyết liệt hơn.
Cũng theo ông Ngô Doãn Đức, quy hoạch đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội được phân chia thành khu phố cổ, khu phố cũ và khu phố mới. Tuy nhiên, sau nhiều năm cải tạo, nghiên cứu, quy hoạch vô hình trung đã làm khu phố cổ biến dạng, không còn giữ được hồn cốt của phố cổ nữa. Khu phố cũ thì hàng ngàn căn biệt thự cổ đã bị hạ giải, xâm chiếm, thay đổi hiện trạng, đồng thời phá hết những giá trị, dấu ấn của Hà Nội. Trong khi đó, ở khu phố mới, việc xây dựng quá nhanh, quá nhiều dẫn đến việc đô thị phát triển ngổn ngang, phát sinh những hệ lụy về giao thông, hạ tầng, đời sống người dân…
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng có cùng nhận định khi cho rằng TP Hà Nội đã định hướng quy hoạch 5 thành phố vệ tinh, đô thị cũ sẽ được giữ theo hướng nâng cấp là chính nhưng thực tế khi triển khai, đô thị Hà Nội lại “phình” về các phía. Thậm chí, ở một số nơi, việc phát triển là tự phát.
Xây thành phố vệ tinh để giãn dân
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81 ha nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, gồm: Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông và Lý Thái Tổ. Với tổng số dân khoảng 66.600 người, tương ứng với mật độ 823 người/ha, Hà Nội dự kiến giảm mật độ xuống còn 500 người/ha, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với hơn 26.000 người dân.
Một lãnh đạo Ban Đô thị Hà Nội cho biết TP đã có nhiều phương án giãn dân ra ngoại thành. Trong đó, 5 KĐT vệ tinh sẽ hình thành gồm: Sóc Sơn, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Hòa Lạc. Tuy nhiên, 5 KĐT này hiện mới chỉ trong giai đoạn lập quy hoạch.
Bạch Huy Thanh/Người lao động