27/12/2022

Hướng tới một ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam

(KTVN) – Ngành công nghiệp xây dựng trên thế giới, đặc biệt các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…hiện nay đã tiến những bước đi vượt bậc. Công nghệ xây dựng lắp ghép bằng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế đã tạo nên sự đột phá mạnh mẽ, đưa ngành Xây dựng sang một bước phát triển mới, đem lại hiệu quả cao về chất lượng và giá trị kinh tế. Nếu xét ở một góc độ khác, việc lắp ghép các cấu kiện bê tông đúc sẵn cũng góp phần kích thích sự sáng tạo khi nó được linh loạt ứng dụng trong những ý tưởng thiết kế. Tại Việt Nam, chúng ta đang hướng đến phát triển nền công nghiệp xây dựng như thế nào? TS Trần Bá Việt đã có cái nhìn tổng quan xu hướng sử dụng lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế trên thế giới và Việt Nam, đồng thời khẳng định một xu hướng xây dựng nhà ở và công trình hiệu quả, cần xem xét và có chủ chương phát triển bền vững; Tạo bước tiến mới để phát triển một ngành công nghiệp xây dựng ở Việt Nam ngay trong hiện tại và tương lai.

Xu hướng sử dụng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế

Xu thế xây dụng trên thế giới là phải công nghiệp hoá, tự động hoá trong xây dựng, để chất lượng công trình ổn định, nhanh, giảm thiểu lao động tại công trình, có thể thi công trong các điều kiện thời tiết bất lợi, và cuối cùng là giá thành cạnh tranh so với thi công đúc tại chỗ (in situ).

Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay việc xây dựng cơ bản vẫn theo phương pháp truyền thống là thi công tại chỗ.

Song cũng phải nói rằng, trước đây từ những năm 70 của thế kỷ 20, chúng ta đã xây dựng bằng phương pháp lắp ghép cho khu tập thể Thanh Xuân, Nghĩa Đô, Giảng Võ với nhà 4, 5 tầng. Các toà nhà này được lắp ghép từ cấu kiện Bê tông cốt thép đúc sẵn dạng tấm: tấm sàn, tường, cầu thang, được liên kết với nhau bằng mối nối ướt.  Kiểu dáng kiến trúc điển hình hoá, tuy nhiên khá đơn giản về kiến trúc, công năng. Thế hệ chung cư lắp ghép kiểu cũ đến nay đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình.

Từ 1995 đến gần đây, Việt Nam chuyển sang hình thức thi công bê tông cốt thép đỏ tại chỗ, cho chất luợng kết cấu bê tông cốt thép cao hơn một bậc so với lắp ghép giai đoạn trước, và nó phù hợp cho các toà nhà đơn chiếc, xây chen trong khu đô thị cũ.

Tuy nhiên, hình thức công nghệ bê tông cốt thép đổ tại chỗ cho thấy tốc độ xây dựng không thể quá 5 ngày/ sàn, vì vậy một toà nhà cao tầng xây dựng thường mất từ 2 đến 3 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Quá trình giám sát kiểm tra chất lượng luôn tiềm ẩn rủi ro, tốn nhiều nhân lực tư vấn giám sát, tốn nhân công xây dựng dẫn tới chi phí tăng, nếu xây dựng cùng lúc nhiều toà nhà trong một khu đô thị thời gian xây dựng kéo dài nhiều năm, chi phí vốn vay tăng lên, hiệu quả và thời cơ kinh doanh giảm. Khi chi phí nhân công ngày càng tăng, thời gian thi công yêu cầu càng nhanh càng hiệu quả, yêu cầu quản lý chất lượng cao hơn, thì cơ hội cho xây dựng nhà theo công nghệ bê tông cốt thép tiền chế lắp ghép ngày càng ưu thế hơn.

Hiện nay, với công nghệ xây dựng và chất lượng bê tông đã khác xa 50 năm trước. Thế giới đã tiến những bước dài về kỹ thuật và chất lượng, giúp cho ngành công nghiệp xây dựng có những bước tiến vượt bậc. Công nghệ xây dựng lắp ghép bằng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế đã và đang phổ biến trên thị trường các nước, trong đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…cũng đang sử dụng công nghệ này một cách triệt để.

Tại Việt Nam, công nghệ xây dựng lắp ghép bằng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế mới đã và đang quay lại với thị trường xây dựng. Công trình nhà ở cao tầng đầu tiên tại Việt Nam đã lựa chọn công nghệ xây dựng này là Chung cư Việt Đức Complex.

Không chỉ ứng dụng công nghệ xây dựng lắp ghép bằng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế đối với nhà ở cao tầng, Việt Nam hiện đang đưa vào ứng dụng trong cả các công trình thấp tầng, xây dựng với khối lượng lớn tại các khu đô thị mới có quy mô lớn. Việc sử dụng công nghệ xây dựng nhà thấp tầng bằng tấm cấu kiện bê tông cốt thép hiện nay có ưu điểm là bảo vệ môi trường, chịu lực tốt hơn, cách âm tốt hơn so với xây tường bằng gạch đỏ. Điển hình như một khu đô thị của Vinhome hiện đang chọn áp dụng tấm tường bê tông rỗng cấu kiện nhỏ để xây dựng nhà ở thấp tầng.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thấy một thực tiễn là đường xá hạ tầng của chúng ta không tốt, chi phí logistic cao, làm cho việc vận chuyển cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn cấu kiện lớn, hay dạng studio gặp nhiều khó khăn. Đối với các công trình nhỏ lẻ xen trong đô thị sẽ khó có mặt bằng tập kết tấm vật liệu. Mặt khác, việc người dân chưa quen với hình thức xây dựng lắp ghép cấu kiện bê tông cốt thép đúc sẵn do họ vốn quen thuộc với cách xây dựng truyền thống cũng là một trở ngại lớn.

Nhìn lại một số công nghệ thi công tấm ghép bê tông trên thị trường.  

Hiện nay có một số công nghệ thi công nhà lắp ghép như sau: (1) Thi công lắp ghép dạng cấu kiện dạng unit studio (2) Thi công dạng tấm tường, tấm sàn lớn, (3)Thi công dạng tấm tường tấm sàn nhỏ (4) Thi công lắp ghép kết hợp đổ tại chỗ (5) Thi công với tấm cấu kiện nhẹ (6) Thi công với cấu kiện đúc tại chân công trình (dạng Tile-up); (7) Thi công lắp ghép cho nhà thấp tầng, (8) Thi công lắp ghép cho nhà cao tầng, (9)Thi công nhà lắp ghép thủ công bằng cấu kiện bê tông siêu tính năng UHPC, phục vụ xây dựng nhà trên đảo xa; (10) Ngoài ra để xây dựng nhà tạm, phục vụ trong công trường, tuổi thọ khoảng 10 năm có thể sử dụng các loại nhà tiền chế, composite, thép composite liên hợp.

Cấu kiện dạng Unit Studio, được thi công lắp đặt rất nhanh, tuy nhiên có hạn chế là không thể vận chuyển, mà phải được đúc sẵn tại công trường

Cấu kiện dạng tấm lớn, được thi công lắp đặt nhanh, tuy nhiên có hạn chế là vận chuyển khó do kích thước tấm khá lớn, nên thường phải được đúc sẵn tại công trường trong điều kiện Việt Nam hiện nay

Cấu kiện dạng tấm sàn nhỏ, được thi công lắp đặt tương đối nhanh, vận chuyển dễ dàng

Thi công lắp ghép nhà thấp tầng theo kiểu tấm nhỏ, không cột, tường chịu lực

Chung cư Việt Đức Complex, tấm sàn nhỏ rỗng tiền chế ứng suất trước, kết hợp lõi cứng đổ tại chỗ, tường xây bằng gạch bê tông, hiện là khu chung cư lắp ghép cao tầng đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh là sàn nhà lắp ghép đã đổ bê tông lớp topping kết hợp lõi cứng thang máy thi công tại chỗ

Thi công nhà cao tầng với cấu kiện đúc sẵn dạng tấm, sau khi hoàn thiện

Hướng tới một ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam!

Như vậy trong điều kiện Việt Nam hiện nay, giải pháp lắp ghép tấm nhỏ tiền chế tại nhà máy, kết hợp lõi cứng vách cứng đổ tại chỗ sẽ phù hợp với đại đa số các dự án, đặc biệt dự án nhà cao tầng. Trong đó 4 khối nhà chung cư 27 tầng Việt Đức Copmlex tại Lê Văn Lương. Q Thanh Xuân, Hà Nội là một thành công tốt có thể nhân rộng. Đây là công nghệ Châu Âu đã được kiểm định đánh giá và tin cậy, giá thành lại rất cạnh tranh.

Thi công tấm lớn hoặc dạng Unit Studio, Tile up chỉ phù hợp cho việc dựng xưởng bê tông cấu kiện tiền chế đúc ngay tại chân công trình.

Nhà cao tầng nên dùng tấm nhẹ, nhà thấp tầng có thể sử dụng tấm bê tông cốt thép thường.

Các mối nối khô sẽ hiệu quả và cho phép thi công nhanh, 1-2 ngày/ sàn, mặc dù giá có cao hơn.

Xu thế là các cấu kiện tường, WC unit, ME cơ bản sẽ được hoàn thiện trong nhà máy trước khi lắp đặt.

Về thiết kế cần điển hình hoá thiết kế, sẽ cho phép giảm chi phí thiết kế cho dự án khu đô thị, quản lý chất lượng tốt hơn, dễ chế tạo, thi công nhanh, tối ưu hoá công nghiệp xây dựng, và từ đó cho phép giảm chi phí xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Với việc sử dụng BIM cho tự động hoá thiết kế, quản lý dự án, Design Build cho phép chuyển từ thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế chế tạo cấu kiện, thi công lắp đặt, quản lý chất lượng của tư vấn giám sát thông suốt, tin cậy và tiết kiệm nhất chi phí. Xu thế điển hình hoá là cần thiết áp dụng, để tối ưu hoá chi phí xây dựng và rút ngắn thời gian xây dựng nhà.

Hy vọng trong tương lai gần trong xây dựng ngày càng áp dụng công nghệ xây dựng lắp ghép bằng cấu kiện bê tông cốt thép tiền chế, giúp thực hiện chương trình nhà ở nói riêng và tiến tới phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp xây dựng nói chung sang một bước phát triển mới.

Trần Bá Việt – PCT Tổng thư ký Hội Bê tông Việt Nam – VCA, Thành viên Viện bê tông Hoa Kỳ- ACI