09/08/2020

Hướng Hóa (Quảng Trị) chọn hướng đi trong xây dựng NTM cho xã vùng đặc biệt khó khăn và biên giới

Xây dựng NTM mới đã khó, xây dựng NTM ở các xã vùng biên còn khó hơn. Hỗ trợ cho thôn, bản của các xã khó khăn xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là chính sách quan trọng, giúp nâng cao điều kiện sống của người dân khu vực khó khăn. Đâu là hướng đi cho Hướng Hóa (Quảng Trị) về đích NTM.

Huyện Hướng Hóa có 11 xã đặc biệt khó khăn và 5 xã biên giới là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là 2 vùng được huyện quan tâm nhất, chỉ tính trong giai đoạn 2016 đến 2020 huyện đã dồn các nguồn lực đầu tư xây dựng mới 105 công trình, giúp cho các xã thuộc khu vực này thay đổi một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng. Hướng Hóa đã và đang từng bước làm thay đổi diện mạo ở các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Dồn các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới - nhà cộng đồng xã A Dơi – Hướng Hóa

Dồn các nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới – nhà cộng đồng xã A Dơi – Hướng Hóa

Chủ trương của huyện là lập được quy hoạch và định hướng tốt, sẽ là nền tảng cơ sở để các cấp lãnh đạo và người dân cùng vào cuộc xây dựng NTM. Bằng cách làm cụ thể, tiếp cận địa phương một cách sát sao từng tiêu chí, hạng mục. Huyện đã chủ trương lồng ghép các chương trình, dự án, ưu tiên đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Huyện cũng chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khơi dậy tính tự lực, tự cường, thực hiện các chính sách hỗ trợ và tập huấn, hướng dẫn cách làm ăn phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương cũng như với khả năng tiếp thu của người dân.

Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, lồng ghép với tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, giúp cho người dân thay đổi cách làm, đổi mới tư duy trong lao động sản xuất. Chính vì vậy đã góp phần cùng với toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2019 còn 21,3% và ước cuối năm 2020 giảm còn 17,8%. Mặt khác, hỗ trợ xây dựng nhà ở, công trình nước sạch, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo hưởng thụ các chính sách về giáo dục, y tế, tạo điều kiện cho nhân dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

A Dơi là nằm sát biên giới Việt Lào, nằm ở phía nam của huyện, có hơn 95% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua xã luôn nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, với nguồn vốn trên 25 tỷ đồng đã đầu tư, xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, đến nay 100% thôn bản đã có đường bê tông, 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia.

100% đường thôn bản của xã A Dơi đã được bê tông hóa, giao thông thuận tiện,tạo đà phát triển kinh tế

100% đường thôn bản của xã A Dơi đã được bê tông hóa, giao thông thuận tiện,tạo đà phát triển kinh tế

Ông Hồ Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho hay: Để xây dựng được nông thôn mới như hôm nay, xã cũng đã tiến hành quy hoạch tổng thể cho cho tất cả các hạng mục, tiêu chí, lên kế hoạch xây dựng nông thôn mới một cách bài bản. Mặc dù khó khăn nhưng nhờ có sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong 5 năm qua xã đã cơ bản xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo cho 100% số thôn bản có đường bê tông, 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, trường mầm non, trạm y tế, cũng được xây dựng khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn.

Xã biên giới A Dơi có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số với những nếp nhà đơn sơ

Xã biên giới A Dơi có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số với những nếp nhà đơn sơ

Bên cạnh việc quy hoạch về hệ thống cơ sở hạ tầng, xã cũng đã có quy hoạch phát triển sản xuất, người dân được hưởng các chính sách về đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình.Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã triển khai các biện pháp làm cho người dân thay đổi tập quán canh tác, phát triển kinh tế theo mô hình nông lâm kết hợp. Cùng với khuyến khích trồng rừng cũng như giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, xã tạo điều kiện cho nhân dân trồng hoa màu các loại, đặc biệt mở rộng diện tích trồng sắn nguyên liệu lên 556 ha và cao su hơn 460 ha, đây là 2 loại cây chủ lực mỗi năm cho nguồn thu hàng tỷ đồng. Trong chăn nuôi, các hộ gia đình chú trọng khâu chọn giống và tiêm phòng dịch bệnh, tổng đàn trâu bò hiện có gần 500 con, đàn dê 453 con, đàn lợn 107 con, gia cầm các loại hơn 5.000 con. Nhờ vậy, đến cuối năm 2019, toàn xã còn 297 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 42,5%.

Lương Thủy

ntm (2)