Hướng đến thiết kế căn hộ thích ứng bền vững, thích ứng thời gian?
(KTVN 244) – Thiết kế tiếp cận từ nội thất tới kiến trúc, từ bên trong ra bên ngoài, giải pháp căn hộ nén, linh hoạt về không gian, vật liệu sẽ cho chúng ta cơ hội chuyển từ nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại trong tương lai, góp phần tạo nên nhưng tòa nhà thích ứng bền vững nhất và thích ứng cả theo thời gian.
Hướng đến thiết kế căn hộ thích ứng bền vững thích ứng thời gian
Đặt vấn đề, ngày hôm nay chúng ta xây dựng nhà ở xã hội, vậy 30 năm nữa, xã hội phát triển hơn nữa thì nhà ở xã hội xây dựng ngày hôm nay khi đó sẽ như thế nào? Việc linh hoạt trong thiết kế không gian nội thất bên trong căn hộ cũng như toàn bộ tòa nhà là hết sức quan trọng, góp phần cho tòa nhà thích ứng bền vững nhất và thích ứng cả theo thời gian.
Ở khía cạnh khác, nhà ở xã hội phục vụ cho đối tượng yếu thế thu nhập thấp, thế nhưng có thể không phải mãi mãi là nhà ở xã hội. Những đối tượng đó có thể tăng thu nhập lên, trở thành người giàu có, mức sống tốt hơn trong tương lai cùng với sự phát triển của đất nước và xã hội thì không thể nào nhà ở xã hội sẽ chỉ cố định mãi như thế.
Việc đưa ra giải pháp linh hoạt về không gian, vật liệu thì sẽ cho chúng ta cơ hội chuyển từ nhà ở xã hội thành nhà ở thương mại, chung cư bình thường trong tương lai.
Nói đến nhà ở là phải nói đến nội thất, nói đến thiết kế nhà ở là thiết kế nội thất. Tất nhiên, chúng ta không phải chỉ có nhà ở có quy định các không gian rồi bỏ trống, phó mặc cho người sử dụng.
Cũng trong những nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã đưa ra mô hình chung cư cao tầng (ở đây là nhà ở xã hội) được tổ hợp bởi các căn hộ mẫu. Trong các căn hộ mẫu được tính toán tới từng không gian trong từng phòng chức năng hoặc không gian chức năng.
Với nhà ở xã hội thì việc tính toán phải quy về các không gian tối thiểu, như: phòng ngủ của trẻ em, phòng ngủ của bố mẹ, phòng khách, phòng ăn, phòng bếp…sẽ tính những không gian tối thiểu và sẽ điển hình hóa tạo thành mẫu những căn hộ từ 1-2 phòng ngủ.
Chúng tôi không thiết kế căn hộ 4 phòng ngủ, thay vào đó sẽ thiết kế ghép 2 căn hộ 2 phòng ngủ liền nhau để có thể ghép thành căn hộ 4 phòng ngủ. Khi tiếp cận cách thiết kế như vậy thì cả tòa nhà được tổ chức bởi những căn hộ mẫu được tổ hợp lại trên mặt bằng tầng điển hình và theo chiều cao những nguyên tắc nhất định thì cuộc sống, nhu cầu đòi hỏi của người ở trong tòa nhà đã được thỏa mãn.
Tức là cách thiết kế tiếp cận từ nội thất tới kiến trúc hay từ trong ra ngoài chứ không phải là theo một số cách thông thường là có hình hài bên ngoài tòa nhà rồi phân bổ không gian bên trong. Cách làm này đảm bảo chắc chắn về chất lượng ở bên trong.
Chúng tôi cũng tính toán tới từng logia phụ trợ, các khe thông gió để làm sao một căn hộ lý tưởng nhất là tất cả các không gian đều được thông gió tự nhiên từ khu vệ sinh, khu bếp và kể cả những không gian ở phía sâu nhất của căn hộ.
Hiện nay, chúng ta chưa đưa những vấn đề này vào tiêu chuẩn, thậm chí là có trường hợp còn cho phép một phòng ngủ không thông thoáng thì tôi thấy cần phải điều chỉnh để nâng chất lượng ở.
Và giải pháp cho một mô hình căn hộ nén
Chúng tôi đã nghiên cứu 1 mô hình nhà ở xã hội hay còn là gọi là căn hộ nén, tức là căn hộ nhỏ nhất nhưng có thể nhu cầu sử dụng tối đa nhất. Cấu trúc của căn hộ về mặt diện tích thì khoảng 63m2 được phân ra làm 3 trục không gian rất rõ ràng. Trục thứ nhất là không gian phụ trợ vệ sinh, bếp và logia; trục thứ 2 nằm ở giữa là không gian phòng khách phòng ăn, thậm chí phòng thờ, riêng phòng thờ là rất nhiều thiết kế nhà ở thương mại và nhà ở xã hội đã bỏ qua; tiếp theo là không gian ngủ thì liên hoàn với nhau chúng tôi gọi là không gian cabin ngủ và ngoài việc cố định sử dụng tường mỏng nhẹ cho các trục khu vệ sinh bếp và logia thì còn lại là mở trống toàn bộ.
Tùy theo nhu cầu của người ở mà chúng tôi sẽ lắp các cabin ngủ có thể các loại buồng cho bố mẹ nằm phía ngoài và các buồng cho con nằm ở phía trong. Như vậy, khối nhà chỉ cần có 3 cabin ngủ, phân tách giữa các cabin ngủ bằng việc sử dụng thiết bị nội thất là các hệ tủ, không có tường và hoàn toàn các hệ tủ, có khi là hệ vách để đóng mở.
Các cabin ngủ này chúng tôi có thể linh hoạt sử dụng trên hệ thống ray và bánh xe. Ví dụ, ban ngày, toàn bộ hệ thống phòng ngủ này được thu gọn lại để mở rộng không gian căn hộ cho những mục đích khác nhau thì hoàn toàn có thể thay đổi không gian.
Với những tổ chức không gian như vậy thì chúng tôi sử dụng thêm việc thông gió, chiếu sáng cho những buồng ngủ bên trong bằng những hệ thống thông gió ngang để cho tất cả các phòng ngủ đều được thông gió và chiếu sáng tự nhiên.
Như vậy, với mô hình căn hộ nén này, diện tích 63m2 tối đa có thể chứa được 3 phòng ngủ tức là 4 người và nếu như kết hợp với vật liệu nhẹ như bê tông khí chưng áp của Viglacera thì block căn hộ này có thể chế tạo thành các cấu kiện nhẹ phù hợp và vận chuyển toàn bộ căn hộ mà Viglacera có thể thể sản xuất trọn vẹn căn hộ này từ các cấu kiện của phòng, trần, sàn, cho tới thiết bị vệ sinh… và căn hộ sẽ được làm trước ở nhà máy rồi vận chuyển tới vị trí lắp đặt.
Để khai thác được thế mạnh vật liệu chính là trọng lượng riêng rất nhẹ thì các cấu kiện lớn, thậm chí nguyên căn hộ có thể vận chuyển và cẩu lên công trường. Như vậy giá thành sẽ giảm rất sâu nhờ việc điển hình hóa và sản xuất đại trà. Hy vọng rằng mô hình này sẽ được thử nghiệm, nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp và đến được với thị trường trong tương lai.
PGS.TS.KTS Vũ Hồng Cương – Trưởng Khoa Nội thất (Đại học Kiến trúc Hà Nội)