18/09/2022

Họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

Ngày 16/9/2022, Bộ Xây dựng tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh – Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì Phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh – Phó Trưởng Ban soạn thảo chủ trì phiên họp thứ nhất

Tham dự phiên họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; UBND các địa phương, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Xây dựng.

Tại phiên họp, ông Bùi Xuân Dũng – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày những nội dung chính trong dự thảo của 2 dự án Luật. Theo đó, dự thảo Luật Nhà ở quy định những nội dung về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.

Tại Chương 2 quy định về sở hữu nhà ở, dự thảo bổ sung một số nội dung mới như: thời hạn sở hữu nhà chung cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư, xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu và hết thời hạn sở hữu. Tại Chương 6 quy định chính sách về nhà ở xã hội, bên cạnh một số quy định được giữ nguyên (loại nhà, tiêu chuẩn diện tích, xác định giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội do nhà nước đầu tư…), dự thảo bổ sung quy định mới về đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, hình thức phát triển nhà ở xã hội, ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bổ sung 2 mục mới về chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang. Tại Chương 7 quy định về tài chính cho phát triển nhà ở, dự thảo Luật bổ sung mới các nội dung về nguồn vốn của nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở, hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở…

Về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản, ông Bùi Xuân Dũng cho biết dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về các loại bất động sản đưa vào kinh doanh tại Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, bao gồm: nhà ở có sẵn và nhà ở hình thành trong tương lai; công trình xây dựng có sẵn và công trình xây dựng hình thành trong tương lai (các công trình dân dụng theo pháp luật về xây dựng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú); nhà ở, công trình xây dựng là tài sản công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, Dự thảo Luật còn có nội dung quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở…

Tại phiên họp, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho các dự thảo Luật, tập trung vào những vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như:  quy định về thời hạn sử dụng nhà chung cư, kiểm định nhà chung cư; sửa đổi khoản 1 Điều 23 chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời công nhận nhà đầu tư đối với loại hình đất khác; quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; bổ sung làm rõ khái niệm shophouse, nhà ở chung cư hỗn hợp, nhà lưu trú công nhân; bổ sung hình thức phát triển nhà ở… (đối với dự thảo Luật Nhà ở); bắt buộc giao dịch qua sàn bất động sản đối với bất động sản hình thành trong tương lai; chuyển nhượng bất động sản; làm rõ hơn nội hàm, tính pháp lý của condotel, officetel được cụ thể hóa trong Luật (đối với dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản).

Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cảm ơn đại diện các cơ quan, đơn vị, UBND các địa phương đã có những góp ý bám sát thực tiễn cuộc sống. Ban Soạn thảo sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các hội thảo tại 3 miền với sự tham gia của đại điện các Bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học, chuyên gia để tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho 2 Dự thảo Luật; sau đó sẽ làm việc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về 2 Dự thảo luật này.

Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đã chủ động lên kế hoạch xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện 2 Luật này, theo hướng sẽ chú trọng luật hóa các quy định nhằm hạn chế tối đa việc ban hành các Thông tư hướng dẫn đi kèm.

Trần Đình Hà/moc.gov.vn