23/08/2018

Hội thảo Xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng

Xử lý chất thải đang là vấn đề nhức nhối của đô thị Việt Nam cũng như toàn cầu. Để tận thu và xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng đang là vấn đề được các Tổng Công ty, doanh nghiệp sản xuất xi măng, cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu đánh giá là vấn đề thiết thực mang lại hiệu quả cả về kinh tế và tiết kiệm năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.

093425baoxaydung_image001

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh phát biểu tại Hội thảo.

Để thảo luận về vấn đề này, ngày 22/8 Hội VLXD Việt Nam đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Xử lý chất thải làm nhiên liệu thay thế cho sản xuất xi măng” tại Hà Nội. Tại Hội thảo các Tổng Công ty, các doanh nghiệp sản xuất xi măng, các doanh nghiệp xử lý môi trường, các cơ quan quản lý và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu xi măng cùng Công ty Loesche GmbH đến từ CHLB Đức – một Công ty chuyên cung cấp thiết bị quan trọng cho ngành xi măng, điện, thép cho các dự án lớn trên toàn cầu – đã giới thiệu rõ hơn về công nghệ xử lý chất thải làm nhiên liệu và đang được ứng dụng tại các nhà máy xi măng trên thế giới.

Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh; ông Lê Hồng Tịnh – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN và Môi trường Quốc hội, cùng đại diện Tập đoàn Loesche GmbH của CHLB Đức, Hội VLXD và đại diện các Cục, Vụ, viện trực thuộc Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp công nghệ, các Tổng Công ty xi măng.

093426baoxaydung_image003

Toàn cảnh Hội thảo.

Đại diện Loesche GmbH cho rằng: “Hội thảo là dịp để Loesche phát triển và cung cấp những công nghệ, dịch vụ và sản phẩm cải tiến giúp ngành công nghiệp xi măng và các ngành khác giảm thiểu tối đa những tác hại đến môi trường sinh thái. Công ty Loesche đã có kinh nghiệm trên 100 năm về sản xuất máy nghiền để xử lý chất thải rắn đô thị với công suất 50 tấn/giờ từ những năm cuối của thập kỷ 60. Hiện nay, công nghệ này lại trở lên phổ biến và công suất tới 200 tấn/giờ là khả thi. Trong đó Loesche đã phát triển công nghệ xử lý cho phép bóc tách các thành phần dễ đốt cháy như nhựa, giấy và gỗ. Ngoài ra còn có các  máy nghiền xử lý bùn thải lẫn với chất thải rắn đô thị. Đó là giải pháp trộn 40% bùn thải và chất thải rắn đô thị tạo nên một chất hữu cơ có khả năng đốt cháy có chất lượng cao là vật liệu tốt cho bộ phận tiền calciner trong các nhà máy xi măng ngày nay”.

Trong khi đó, công nghiệp xi măng là một trong số ít những ngành công nghiệp được đầu tư sớm ở Việt Nam. Năm 2019 sẽ kỷ niệm 120 năm nhà máy xi măng đầu tiên được khởi công xây dựng. Sau 30 năm đổi mới và phát triển ngành công nghiệp xi măng đã có những bước phát triển vượt bậc, với quy mô công suất 100 triệu tấn/năm, xi măng Việt Nam đã đứng vào Top 5 thế giới.

Sản xuất xi măng cũng là ngành công nghiệp VLXD góp phần đáng kể trong xử lý môi trường bằng việc tận dụng các chất thải từ các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở luyện kim và các nhà máy hoá chất. Nhiều chất thải như xỉ hạt lò cao, xỉ tro bay của của các nhà máy nhiệt điện, xỉ pyrit, thạch cao thu hồi từ các nhà máy hoá chất đã và đang được sử dụng làm nguyên liệu phụ gia trong sản xuất xi măng.

Lò nung clanhke xi măng với ưu thế lớn về nhiệt độ rất cao (nhiệt độ khí đốt ở vòi phun chính lên tới 2.000°C, còn nhiệt độ bức xạ lên tới 1.4500°C) là yếu tố rất phù hợp để xử lý các chất thải độc hại từ các ngành y tế, hoá chất, lọc dầu…

Đại diện Tập đoàn Loesche GmbH giới thiệu về công nghệ xử lý rác thải làm nhiệt thay thế cho công nghiệp xi măng.

Tính riêng tại các đô thị trên cả nước Việt Nam phải thu gom và xử lý trên 15 triệu tấn rác thải sinh hoạt từ các đô thị và nông thôn. Theo số liệu thống kê của năm 2015, thì 80% lượng rác thải này được xử lý bằng cách chôn lấp và chỉ khoảng 20% lượng rác thải này được xử lý bằng cách thiêu đốt hoặc tái chế. Nếu tiếp tục xử lý theo các cách làm truyền thống là chôn lấp thì sẽ rất khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất, đặc biệt là trong các đô thị và điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước ngầm.

Điều này cũng được ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam (VABM) nhấn mạnh: “Nếu các cơ sở sản xuất xi măng được đưa vào tham gia quá trình xử lý rác thải, sẽ đem lại hiệu quả lớn cho xã hội trong việc xử lý môi trường và tận thu nguồn năng lượng đang bị mất đi do công nghệ xử lý bằng cách chôn lấp”. Bên cạnh đó việc sử dụng nhiên liệu thay thế sẽ giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, mang lại lợi thế cạnh tranh cho ngành sản xuất xi măng, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao tính bền vững và giảm gánh nặng xử lý chất thải một cách đáng kể.

Đánh giá cao về Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhận định: “Với những kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình hợp tác với ngành xi măng Việt Nam, Tập đoàn Loesche sẽ chuyển giao công nghệ và cung cấp thiết bị với các Công ty cơ khí Việt Nam. Đồng thời đã giúp các nhà máy xi măng Việt Nam đạt hiệu quả cao trong việc giảm tiêu hao điện năng và nhiệt năng từ các công đoạn nghiền liệu, nghiền than, nghiền xi măng và cả trong nung luyện clinker. Điều này cũng sẽ tiếp tục được nhân rộng trong việc xử lý chất thải làm nhiên liệu phối hợp thay thế một phần các nhiên liệu truyền thống trong sản xuất xi măng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cũng nhấn mạnh: Quy trình giám sát một cách hiệu quả quá trình sản xuất liên quan đến chất lượng sản phẩm và chất lượng khí thải ra môi trường mà Loesche đưa ra sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền giám sát quy trình đối với các khâu từ thu gom, tiếp nhận sơ chế, gia công, cho đến quá trình đốt cháy trong hệ thống lò nung xi măng một khung khổ pháp lý phù hợp để khuyến khích áp dụng có hiệu quả loại hình công nghệ này trong việc xử lý chất thải và phát triển ngành công nghiệp xi măng xanh trong tương lai.

Mộc Miên/BXD