Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư
Ngày 7/3/2019, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Thanh Tùng – Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật; ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; các đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các Sở Xây dựng địa phương, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý các chung cư. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở nói chung, phát triển các khu nhà chung cư nói riêng, góp phần quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu của người dân về nhà ở. Đến nay, việc quản lý, sử dụng nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cải thiện điều kiện ở và tạo được môi trường sống văn minh cho người dân đô thị.
Tuy nhiên, gần đây tại một số địa phương đã xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa các bên liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, gây ảnh hưởng đến công tác an ninh, an toàn xã hội. Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-CP của Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý, vận hành nhà chung cư… Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư nhằm đánh giá tình hình thực hiện trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư thời gian qua; công tác chấp hành các quy định pháp luật liên quan; cũng như lắng nghe các ý kiến từ các cơ quan quản lý địa phương, chủ đầu tư, ban quản trị, ban quản lý tại một số dự án về khó khăn, vướng mắc trên thực tế; các bất cập của văn bản pháp luật… Từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, có giải pháp giải quyết các tranh chấp đang diễn ra.
Theo Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng, hiện nay cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà chung cư, trong đó tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến hết quý II/2018, trên phạm vi cả nước có 108 dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư có liên quan đến các hoạt động quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, trong đó tập trung vào các vấn đề sử dụng quỹ bảo trì, kinh phí quản lý, vận hành, phân biệt diện tích sở hữu chung – riêng…
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã phát biểu nhiều ý kiến đi sâu phân tích các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân và chủ đầu tư, trong đó có nguyên nhân từ các quy định chưa rõ ràng: Cách tính diện tích căn hộ, hộp kỹ thuật, diện tích chung – riêng. Chế tài xử phạt hành vi vi phạm chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa đủ mạnh với yêu cầu quản lý và tình hình thực tế. Trong khi đó, một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy… Ngoài ra, có một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư. Bên cạnh đó vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; vai trò của chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và ý thức, trách nhiệm của các chủ sở hữu, người sử dụng căn hộ ở một số nhà chung cư chưa đáp ứng mô hình quản lý, sử dụng nhà chung cư. Các vướng mắc, mâu thuẫn về lợi ích chưa được các chủ thể đối thoại, hòa giải để bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên theo quy định pháp luật.
Kết thúc Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cám ơn các đại biểu đã tham gia Hội thảo và đóng góp những ý kiến quan trọng nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, đề xuất Chính phủ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở cho phù hợp với thực tiễn.
Trần Đình Hà/moc.gov.vn