09/11/2021

Hội thảo trực tuyến “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu”

Ngày 8/11/2021, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN), Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) và Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) tổ chức Hội thảo trực tuyến chào mừng Ngày Đô thị Việt Nam, với chủ đề “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì hội thảo.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội có Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển; Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính; Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy; Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Minh Tiến. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện các Bộ, ngành Trung ương; Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại sứ quán Singapore; Đại sứ quán Hà Lan; các tổ chức quốc tế như SECO, GIZ, AFD, WB; các Hội nghề nghiệp và các Tổ chức trong nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết: từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 8/11 hàng năm là “Ngày Đô thị Việt Nam” nhằm tôn vinh các đô thị và nhấn mạnh vai trò trung tâm tạo động lực tăng trưởng kinh tế của các đô thị trên toàn quốc.

Những năm qua, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: tỷ lệ đô thị hoá tăng nhanh, đến nay đã đạt khoảng 40%, với 870 đô thị phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Khu vực đô thị không chỉ thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn góp phần quan trọng chuyển dịch mô hình tăng trưởng trong dài hạn, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế, từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề về nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển đô thị tại Việt Nam còn một số hạn chế: số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng đô thị chưa được quan tâm đúng mức;  hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng; việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng chưa hiệu quả, gây phát thải lớn. Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam đang phải đối diện nhiều thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19. Đây là những thách thức lớn, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, triển khai nhiều đề án, chương trình cho giai đoạn 2021-2030, trong đó có Kế hoạch phát triển đô thị thông minh bền vững, Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, Kế hoạch nâng loại đô thị toàn quốc. Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về “Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Từ Nghị quyết này, Chính phủ sẽ cụ thể hóa bằng những chính sách phát triển đô thị, tái thiết đô thị và dành nguồn lực xứng đáng cho công tác này.

Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, để phát triển hệ thống đô thị theo hướng nâng cao chất lượng, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP 26, Việt Nam cần xây dựng mô hình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững. Hội thảo trực tuyến “Đô thị hóa Việt Nam trước những thách thức mới của biến đổi khí hậu” là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị theo hướng phát triển bền vững, góp phần hiện thực hóa các chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội

Trên cơ sở những ý kiến gợi mở của Thứ trưởng Lê Quang Hùng và chủ đề của hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung: Những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế và đô thị Việt Nam thời kỳ hậu Covid-19; các cơ chế chính sách cấp thiết nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng thời kỳ 2021-2025 và phòng chống thiên tai, dịch bệnh của thành phố Hà Nội; giải pháp tái thiết đô thị, phòng chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tp. Hồ Chí Minh; phát triển đô thị Cần Thơ – xây dựng khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình đô thị hóa…

Tham dự hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, thực tiễn Việt Nam cho thấy quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, thiếu đánh giá, phân tích những tác động của biến đổi khí hậu. Vẫn còn tồn tại các quy hoạch mở rộng xây dựng đô thị vào các khu vực có nguy cơ thiên tai, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị. Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị chủ yếu chú trọng về kỹ thuật và tổ chức không gian, chưa chú trọng vấn đề bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế đô thị nhằm hỗ trợ các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa đánh giá lựa chọn đất xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, đề xuất mô hình đô thị, cấu trúc không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp quy hoạch chủ yếu tập trung khai thác triệt để nguồn lực đô thị, gia tăng sử dụng đất, thiếu chú trọng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Vì vậy, để phát triển bền vững, giảm thiểu hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cần có góc nhìn tổng thể, lồng ghép được các yêu cầu mới trong quy hoạch và phát triển đô thị trên cả ba phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Trần Quốc Thái cảm ơn Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Lãnh đạo các địa phương, đại diện các Hội nghề nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước đã tham dự và đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn sâu sắc. Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp nhằm giúp cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao năng lực xây dựng các cơ chế chính sách, đảm bảo phát triển hệ thống đô thị Việt Nam một cách bền vững, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trần Đình Hà/moc.gov.vn