18/06/2019

Hội thảo tham vấn Đề xuất hệ thống dán nhãn năng lượng, đo lường và kiểm định hiệu quả năng lượng công trình tại Việt Nam

Ngày 14/6/2019, Bộ Xây dựng, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) đã phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về các báo cáo “Đề xuất hệ thống dán nhãn năng lượng, đo lường và kiểm định hiệu quả năng lượng công trình tại Việt Nam” – sản phẩm của Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng tại Việt Nam do Bộ Xây dựng thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp quốc, gọi tắt là Dự án EECB.

Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Nguyễn Công Thịnh phát biểu khai mạc Hội thảo

Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Nguyễn Công Thịnh phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Xây dựng, các đơn vị tư vấn, đại diện các Hội, Hiệp hội chuyên ngành và đông đảo chuyên gia trong nước và quốc tế. Phó Vụ trưởng Vụ KHCN Bộ Xây dựng Nguyễn Công Thịnh chủ trì buổi Hội thảo.

Theo Báo cáo của Ban Quản lý dự án EECB, mục tiêu dài hạn của Dự án nhằm cắt giảm cường độ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực xây dựng ở Việt Nam, và mục tiêu cụ thể là cải thiện việc sử dụng năng lượng của các tòa nhà thương mại và chung cư cao tầng. Dự án gồm 03 hợp phần: Soát xét, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao năng lực thực thi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Xây dựng các sáng kiến hỗ trợ phát triển thị trường; Trình diễn và nhân rộng giải pháp công nghệ tiết kiệm năng lượng trong ngành xây dựng; và trình diễn 16 công trình tiết kiệm năng lượng. Trong hợp phần 1, Dự án đã hoàn thành cơ sở dữ liệu về vật liệu và thiết bị tiết kiệm năng lượng; xây dựng 05 tiêu chuẩn đặc tính hiệu quả năng lượng của vật liệu xây dựng; Xây dựng phương pháp, tiêu chí đánh giá, chứng nhận, đo lượng và kiểm định công trình TKNL, phương pháp dán nhãn năng lượng; Hoàn thành xây dựng phương pháp tính mức tiêu hao năng lượng đặc trưng và khảo sát 165 công trình phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về mức tiêu hao năng lượng.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, qua việc tổng kết thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho thấy việc dán nhãn năng lượng đã được triển khai rất hiệu quả, bắt đầu từ việc dán nhãn năng lượng cho thiết bị gia dụng, nay đã bắt đầu phát triển mở rộng áp dụng cho các phương tiện giao thông. Tại buổi Hội thảo này, đơn vị chủ trì Dự án mong muốn tham vấn ý kiến các chuyên gia cho các Báo cáo đề xuất về dãn nhãn hiệu quả năng lượng, triển khai đo lường và kiểm định năng lượng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam (khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại) thuộc đối tượng áp dụng Quy chuẩn 09:2017/BXD “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả”.

Chuyên gia tư vấn Nicolas Jallade trình bày các báo cáo tại Hội thảo

Chuyên gia tư vấn Nicolas Jallade trình bày các báo cáo tại Hội thảo

Theo ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo, hiện nay, trong các quy định của pháp luật chưa đề cập đến việc dán nhãn hiệu quả năng lượng đối với các công trình xây dựng, do đó, thông qua các nghiên cứu, khảo sát thực tiễn của Dự án EECB, cần đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sửa đổi, hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho việc dán nhãn hoặc chứng nhận hiệu quả năng lượng cho các công trình xây dựng, đồng thời phải xây dựng được định mức sử dụng năng lượng cho các công trình thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chuẩn 09:2017/BXD; Việc nghiên cứu, ban hành các công cụ hỗ trợ cho việc kiểm toán năng lượng trong công trình xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam (các tiêu chuẩn) là cần thiết, đồng thời cũng cần kiến nghị chính sách, và lộ trình thực hiện, trước hết là áp dụng đo lường và kiểm định năng lượng đối với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Đánh giá về các Báo cáo của Dự án, các chuyên gia phản biện đều cho rằng các Báo cáo đã được thực hiện nghiêm túc, công phu, có cơ sở khoa học và thực tiễn, với khối lượng công việc lớn, tham khảo nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, các chuyên gia phản biện cũng đóng góp các ý kiến rất cụ thể, trong đó đề nghị nhóm nghiên cứu cập nhật các tiêu chuẩn mới nhất trong nước và quốc tế trong lĩnh vực liên quan.

Theo GS.TS. Trần Ngọc Chấn – Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, hiện nay Việt Nam đã xây dựng được phần mềm mô phỏng năng lượng, do đó, Bộ Xây dựng có thể sử dụng số liệu khảo sát mức tiêu hao năng lượng của các công trình xây dựng – kết quả của dự án Thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành Xây dựng (VCEP) và dùng phần mềm này để kiểm tra lại, đồng thời công bố định mức tiêu hao năng lượng dưới hình thức tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc chứng nhận hiệu quả năng lượng cho các công trình xây dựng.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Trung Hòa – Cố vấn của Dự án, việc chứng nhận hiệu quả năng lượng và đo lượng, kiểm định năng lượng (M&V) cho các tòa nhà là các giải pháp quản lý hiệu quả năng lượng phổ biến trên thế giới và đã được tiêu chuẩn hóa – rất cần thiết đối với Việt Nam. Thông qua ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo cho thấy, cần đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện các chính sách, hành lang pháp lý, xây dựng lộ trình phù hợp (khuyến khích, bắt buộc), thống nhất áp dụng cho tất cả các tòa nhà thuộc phạm vi điều chỉnh của QCVN 09:2017/BXD và nghiên cứu thêm về việc áp dụng cho chung cư và công trình hỗn hợp thương mại – nhà ở, các công trình xây dựng mới, dựa trên tiêu chuẩn ISO để xây dựng quy trình M&V cho Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Công Thịnh đã tổng kết và ghi nhận đầy đủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn của Dự án tiếp thu để hoàn thiện các báo cáo, trong đó nhấn mạnh việc làm rõ cơ sở khoa học của các đề xuất ban hành chính sách, định mức sử dụng năng lượng./.

Minh Tuấn/moc.gov.vn