Hội thảo “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trong sản xuất xi măng”
Ngày 23/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Sinoma (Trung Quốc) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến trong sản xuất xi măng”, với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xi măng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 82 dây chuyền sản xuất xi măng, công suất thiết kế đạt trên 90 triệu tấn/năm. Bên cạnh những dây chuyền có công suất từ 1,8 triệu tấn/năm trở lên, được đầu tư công nghệ hiện đại, năng lực cạnh tranh tốt thì cũng còn một số dây chuyền đầu tư từ các giai đoạn trước có công suất thấp, dưới 1 triệu tấn/năm, năng lực cạnh tranh yếu hơn do chất lượng sản phẩm và mức tiêu hao năng lượng cao.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành công nghiệp xi măng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các vấn đề được Bộ Xây dựng quan tâm như năng suất lao động, thiết bị mới, công nghệ mới đảm bảo tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, xử lý và sử dụng phế thải công nghiệp và nông nghiệp trong sản xuất xi măng… để xây dựng ngành công nghiệp xi măng phát triển ổn định và bền vững.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh hoan nghênh Hiệp hội Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Sinoma tổ chức Hội thảo này để cung cấp thông tin về các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất xi măng, đồng thời mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực thảo luận về các công nghệ, giải pháp nhằm giảm tiêu hao nhiên liệu, tiết kiệm năng lượng, tận dụng phế thải làm nguyên liệu và nhiên liệu cho sản xuất xi măng phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc cho biết, ngành xi măng có lịch sử phát triển hơn 200 năm và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn minh nhân loại. Tuy nhiên, ngành công nghiệp xi măng cũng là ngành sản xuất gây ô nhiễm. Trong bối cảnh hiện nay, sự quan tâm của toàn cầu đối với vấn đề môi trường cùng với vấn đề cạn kiệt về tài nguyên, đòi hỏi ngành công nghiệp xi măng cần có những cải tiến để tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm phát thải và hạn chế các ảnh hưởng đến môi trường.
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp xi măng, viện nghiên cứu, trường đại học của Trung Quốc đã tích cực triển khai các nghiên cứu công nghệ, kỹ thuật mới áp dụng cho ngành xi măng và đạt được thành quả đáng khích lệ, trong đó Tập đoàn Sinoma đã nỗ lực sáng tạo kỹ thuật mới và đúc rút được những kinh nghiệm có giá trị sẽ được báo cáo tại Hội thảo này với các bạn đồng nghiệp Việt Nam.
Tại Hội thảo, các kết quả nghiên cứu của Tập đoàn Sinoma về ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất xi măng cacbon thấp; sử dụng máy làm nguội thế hệ 4 trong cải tạo các nhà máy xi măng; sử dụng hệ thống máy cán ép làm máy nghiền liệu thay thế máy nghiền bi, ứng dụng công nghệ xử lý rác thải, giảm bụi thải và khí thải trong sản xuất xi măng… thu hút được sự quan tâm của các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xi măng Việt Nam.
BXD