Hội thảo khoa học: Tiêu chuẩn chất lượng không khí cho nhà ở và nhà công cộng ở Việt Nam
Chiều ngày 5/12 tại Trụ sở Panasonic Risupia Việt Nam (90 Trần Thái Tông), Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) đã tổ chức Hội thảo Khoa học về “Tiêu chuẩn chất lượng không khí cho nhà ở và nhà công cộng ở Việt Nam” với sự tài trợ của hãng Panasonic.
Trong hai năm 2019-2020, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) được Bộ Xây dựng giao cho thực hiện Đề tài Nghiên cứu “Biên soạn TCVN xxx: 2020/BXD – Chất lượng môi trường không khí trong nhà ở và nhà công cộng – Tiêu chuẩn thiết kế”. Hội thảo lần này đưa ra những báo cáo của nghiên cứu, tổng quan tình hình không khí trong nhà trên thế giới và đưa ra những kinh nghiệm Tiêu chuẩn và quy định về chất lượng không khí trong nhà trên thế giới.
Trong bản báo cáo Định hướng “Biên soạn tiêu chuẩn mới TCVN xxx:2020/BXD Chất lượng môi trường không khí trong nhà ở và nhà công cộng – Tiêu chuẩn thiết kế” và khảo sát đo lường chất lượng không khí trong nhà, GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng sau khi báo cáo đã chỉ ra: “Đối với tình hình vi khí hậu nhà VP trong mùa nóng ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể bảo đảm tiện nghi VKH bằng biện pháp Thông gió tự nhiên kết hợp với Thông gió cơ khí khi điều kiện khí hậu ngoài nhà thuận lợi.”
Vấn đề ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đang đặc biệt được cộng đồng quan tâm, không ngoài khỏi đó, Panasonic cũng đã và đang nghiên cứu đưa ra những phát minh mới góp phần nâng cao môi trường sống cho người dân. Giới thiệu các thông số kỹ thuật để đảm bảo chất lượng không khí trong nhà của máy điều hoà không khí và các sản phẩm thông gió cơ khí của Panasonic, Ông Ichiro Suganuma chia sẻ tầm nhìn của Panasonic về môi trường không khí tiện nghi: “Căn cứ theo dữ liệu của Hiệp hội Kỹ sư Điều hoà và Điện lạnh Hoa Kỳ (ASHRAE), chúng tôi đã thiết lập một tiêu chuẩn cho nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí, tiêu chuẩn này giúp người dân sống tiện nghi hơn. Dựa vào 3 yếu tố quan trọng: Điều hoà không khí, Thông gió và Công nghệ Nano e các vấn đề về bụi hạt, vi rút trong môi trường sẽ được thanh lọc và điều hoà thêm không khí mới.”
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật và tử vong trên thế giới. Riêng ở Việt Nam, 6/10 bệnh có tỷ lệ chết cao nhất liên quan tới ô nhiễm không khí, đặc biệt là không khí trong nhà. Khác với ô nhiễm ngoài trời chủ yếu liên quan tới bụi, ô nhiễm không khí trong nhà còn kết hợp với các yếu tố liên quan tới nấm mốc, vi khuẩn sản sinh ra từ các vật dụng, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người. Không những thế, mức độ tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của mỗi người với ô nhiễm không khí trong nhà cũng lớn hơn so với ô nhiễm ngoài trời do sự đề phòng của con người với ô nhiễm không khí trong nhà ít hơn so với ở ngoài trời. Bên cạnh đó, với không khí trong nhà, đôi khi con người lại vô tình tạo ra thêm các tác nhân gây ô nhiễm khác như sử dụng xịt phòng, các loại nến thơm, tinh dầu thơm…bởi các loại sản phẩm này thường sản sinh ra các hóa chất khác gây ô nhiễm không khí trong nhà. Do là sát thủ thầm lặng nên ô nhiễm không khí sẽ không gây ra tác động ngay lập tức, trực diện lên sức khỏe con người, nhất là những người khỏe mạnh. Vì thế, nhiều người khỏe mạnh thường có lầm tưởng về việc không chịu ảnh của ô nhiễm không khí, đặc biệt là ở trong nhà.
Tại hội thảo, còn đưa ra những Dự thảo tiêu chuẩn Chất lượng Không khí trong nhà ở và công cộng tại Việt Nam nhằm đóng góp những nghiên cứu thực tế nâng cao tiêu chuẩn không khí tại Việt Nam.
Bích Thuỷ/Tạp chí Kiến trúc