02/12/2020

Hội thảo khoa học: Phân vùng gió, phân vùng động đất phục vụ xây dựng

Ngày 27/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo khoa học về phân vùng gió và phân vùng động đất phục vụ xây dựng, nhằm lấy ý kiến cho dự thảo quy chuẩn QCVN 02:2020/BXD – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam), các hội và hiệp hội, các trường đại học chuyên ngành…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết: nghiên cứu hoàn thiện cơ sở dữ liệu các tác động tự nhiên của Việt Nam phục vụ xây dựng công trình là một trong những nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Bộ Xây dựng. Cho đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành 16 quy chuẩn; trong đó quy chuẩn 02 về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng là một trong những quy chuẩn xương sống, cốt lõi với số liệu không chỉ dùng trong các tiêu chuẩn xây dựng, giao thông mà còn nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các số liệu trong quy chuẩn này đã cũ, trong khi hiện tượng biến đổi khí hậu và hoạt động địa chấn xảy ra ngày càng bất thường, khó dự đoán. Các số liệu gió và động đất trong quy chuẩn 02 đều liên quan trực tiếp đến an toàn chịu lực, an toàn khai thác sử dụng công trình, nhưng đã hơn 20 năm ứng dụng chưa được cập nhật. Thực tế này đòi hỏi phải biên soạn mới Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng trên cơ sở soát xét QCVN 02:2009/BXD. Đây là nhiệm vụ quan trọng , rất cần các chuyên gia đầu ngành có bề dày kinh nghiệm với những vấn đề liên quan đưa ra ý kiến đóng góp nhằm thống nhất với số liệu trong dự thảo trước khi chính thức ban hành quy chuẩn 02 mới.

Dự thảo QCVN 02:2020/BXD được giao cho Viện Khoa học công nghệ xây dựng tổ chức biên soạn, với sự hợp tác của Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) và Hội Môi trường xây dựng Việt Nam.

Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đại Minh – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết: Trong 20 năm qua, công tác quan trắc, thu thập và xử lý số liệu đã có những tiến bộ lớn cả về công nghệ và thiết bị, hợp tác quốc tế về nghiên cứu và dự báo, phương pháp và mô hình xử lý số hiện đại. Ở thời điểm hiện tại, cả nước có hơn 100 trạm quan trắc khí tượng. Viện Vật lý địa cầu đã thiết lập hệ thống các trạm đo địa chấn và cảnh báo sóng thần tại nhiều khu vực nhạy cảm trên lãnh thổ. Nguồn số liệu khí tượng, gió bão, động đất thu được rất phong phú dựa trên quan hệ quốc tế, khác hẳn so với giai đoạn trước năm 2000. Do vậy, các số liệu gió, động đất trong dự thảo QCVN 02:2020/BXD được xây dựng trên cơ sở kế thừa tiêu chuẩn, quy chuẩn cũ và cập nhật những số liệu mới từ các nghiên cứu khoa học, khảo sát thực tế, kinh nghiệm quốc tế… nhằm thiết lập các bản đồ, các bảng phân vùng phục vụ xây dựng. Viện Khoa học công nghệ xây dựng – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo cùng các cơ quan chuyên môn đã kiểm tra, rà soát sự phù hợp của các số liệu cập nhật này đối với quy chuẩn hiện hành, quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số nước khác, cũng như các đặc điểm khí hậu và địa chấn của thực tế Việt Nam.

Cụ thể: số liệu gió do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lập, gồm áp lực gió và vận tốc gió, được cấp dưới dạng bản đồ phân vùng áp lực gió và phân vùng theo địa danh hành chính. Các số liệu gió này được dùng cho tính toán thiết kế công trình, thiết kế biện pháp thi công công trình chịu tải trọng gió…

Số liệu động đất dùng trong thiết kế gồm số liệu động đất theo đỉnh gia tốc nền tham chiếu, được trình bày dưới dạng Bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu và Bảng phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu theo địa danh hành chính. Bản đồ phân vùng đỉnh gia tốc nền tham chiếu (lãnh thổ Việt Nam) tỷ lệ 1:1.000.000 do Viện Vật lý địa cầu cung cấp.

Theo các chuyên gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng là quy chuẩn rất quan trọng và cần thiết phải cập nhật, bổ sung cho phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay cũng như thực tiễn phát triển của ngành xây dựng.

Góp ý cho dự thảo, ý kiến của các chuyên gia xoay quanh một số nội dung cơ bản: các số liệu điều kiện tự nhiên được cập nhật trong dự thảo cần được xử lý kỹ thuật dữ liệu; số liệu đưa vào bản đồ phân vùng gió, động đất dùng để thiết kế phải đảm bảo các nguyên tắc: đảm bảo an toàn cho công trình, đảm bảo yếu tố kinh tế kỹ thuật, sự ổn định trong quá trình sử dụng số liệu này trong thiết kế, xây dựng; làm rõ sự khác biệt so với số liệu cũ; dự đoán vùng có khả năng xảy ra động đất…

Thay mặt cơ quan chủ trì biên soạn dự thảo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng”, TS. Nguyễn Đại Minh trân trọng cảm ơn các chuyên gia tham gia Hội thảo và cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia nhằm tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến phân vùng gió, động đất trong dự thảo quy chuẩn QCVN 02:2020/BXD trước khi trình ban hành.

Ninh Hoàng Hạnh/moc.gov.vn