02/12/2020

Hội thảo hướng dẫn thiết kế xây dựng bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm

Nhằm hoàn thiện các nội dung phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch khẩn cấp, sáng ngày 1/12/2020, Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) phối hợp với Viện Kiến trúc quốc gia (Viar) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn thiết kế xây dựng bệnh viện Dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm” tại Trụ sở Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCT (VNCC), số 243 Đê La Thành, quận Đống Đa, Hà Nội.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các chuyên gia, kiến trúc sư, đại diện các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo các chuyên gia, kiến trúc sư, đại diện các đơn vị quản lý, đơn vị chuyên môn

Vào tháng 4 năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid 19 bùng phát, Bộ Xây dựng đã giao Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) phối hợp với Viện Kiến trúc quốc gia (Viar) và Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế mô hình bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm”. Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trần Đức Toàn – Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC) chia sẻ: “Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng bệnh diễn dã chiến là nhiệm vụ hàng đầu, cần nhanh chóng nghiên cứu và tìm ra giải pháp. VNCC là một trong những đơn vị được Bộ Xây dựng giao thực hiện nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế mô hình bệnh viện dã chiến. Tại hội thảo, những bài tham luận đều là kết quả nghiên cứu của VNCC, Viar và IBST trong suốt thời gian qua. Hy vọng hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến tham vấn, thảo luận, góp ý từ các đơn vị quản lý, chuyên môn tham dự để nghiên cứu được hoàn thiện hơn trong thời gian sắp tới.”

Ông Trần Đức Toàn – Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC)

Ông Trần Đức Toàn – Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP (VNCC)

Dịch bệnh Covid 19 bùng phát đã khiến cho nhiều nước trên thế giới đã gặp tình trạng quá tải bệnh nhân và phải xây dựng bệnh viện dã chiến để giải quyết tình huống này, trong đó có Việt Nam. Về tổng quan xây dựng Bệnh viện dã chiến tại Việt Nam và thế giới, Ths.KTS Nguyễn Quốc Hoàng – Viện Kiến trúc Quốc gia (Viar) chia sẻ: “Ứng phó với tình hình đại dịch bùng phát, nhiều quốc gia đã thiếu cơ sở sàng lọc và điều trị người bị nhiễm COVID-19, việc bổ sung thêm nhiều bệnh viện dã chiến chuyên sàng lọc và điều trị người bị nhiễm COVID-19 là một yêu cầu bức bách. Lần đầu tiên, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phát hành tài liệu hướng dẫn thiết kế các cơ sở sàng lọc và bệnh viện dã chiến vừa đảm bảo tránh lây nhiễm lẫn nhau vừa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ngay sau đó, rất nhiều nước trên thế giới tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến với mô hình container, sử dụng vách, vật liệu nhẹ, thuận tiện tháo lắp trong thời gian ngắn. Việt Nam đã từng xây dựng bệnh viện dã chiến tại Mê Linh, bệnh viện dừng hoạt động vào năm 2018. Mới đây nhất, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn – Đà Nẵng đã được xây dựng thần tốc với 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1, theo mô hình lắp ghép modul.” Cũng tại hội thảo, KTS Nguyễn Quốc Hoàng đã phân tích về sự cần thiết xây dựng Bệnh viện dã chiến trong hối cảnh dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch: “Tại Việt Nam, trước tình hình phức tạp của các loại dịch bệnh truyền nhiễm, một số cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ lây nhiễm chéo. Để hạn chế dịch cúm lây lan trong cộng đồng và triển khai thu dung, cách ly, điều trị tại chỗ, tránh quá tải cho bệnh viện trên địa bàn, thiết lập bệnh viện dã chiến phù hợp với tình huống cụ thể là cần thiết. Thiết lập và triển khai các bệnh viện dã chiến sẽ đáp ứng nhu cầu thu dung, sàng lọc, cách ly, cấp cứu, chăm sóc, theo dõi và điều trị cho các người bệnh ở mức độ nhẹ và trung bình nhằm giúp giảm tải cho các cơ sở y tế tập trung điều trị cho các bệnh nhân nặng và rất nặng; không ảnh hưởng đến hệ thống khám chữa bệnh đã được hình thành để ứng phó với dịch bệnh ở tất cả các tuyến.”

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn – Đà Nẵng

Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn – Đà Nẵng

Thiết kế bệnh viện, vốn là một bài toán khó đối với các nhà thiết kế, kiến trúc sư, nhưng thiết kế bệnh viện Dã chiến, lại càng khó hơn khi vừa phải đáp ứng yêu cầu về công năng, nhưng lại đảm bảo tính linh hoạt, dễ dàng tháo lắp và tiết kiệm chi phí. Nguyên cứu về các yêu cầu, nguyên lý thiết kế, dây chuyền công và các giải pháp về xây dựng Bệnh viện dã chiến, KTS Đào Thế Sơn – Tổng công ty TVXD Việt Nam – CTCP (VNCC) chia sẻ: “Nguyên tắc xây dựng bệnh viện dã chiến, cần đảm bảo tốc độ xây dựng, hệ thống cách ly, kiểm soát lưu thông, phân vùng chức năng hợp lý, với các khu chức năng riêng biệt, ứng dung tốt khoa học kỹ thuật. Trong đó, các khu vực chắc năng cần được xử lý tốt như hậu cần trong thiết kế, từ việc giao hàng và chuyển bệnh nhân đến lưu trữ và thông gió; Các cơ sở khác trong bệnh viện bao gồm tòa nhà công nghệ y tế, phòng máy tính mạng, kho vật tư trung tâm và phòng khử trùng xe cứu thương; Hệ thống nước và vệ sinh cũng có thể là một trong những biện pháp quan trọng nhất để kiểm soát nhiễm trùng chéo… Do đó cần tạo ra hệ thống khép kín trong cơ sở y tế mới, không xâm nhập bất kỳ cơ sở hạ tầng lân cận nào, điều không thể thực hiện đối với các cơ sở có sẵn. Đây là điểm mà các cơ sở bệnh viện dã chiến có thể được trang bị tốt hơn.”

Trên những chia sẻ về yêu cầu, nguyên lý thiết kế, công năng dây chuyền, KS. Nguyễn Minh Tuấn và KS. Đặng Thanh Hải – Tổng công ty TVXD Việt Nam – CTCP (VNCC) đã giới thiệu các thiết kế minh hoạ Bệnh viện dã chiến xây dựng cải tạo công trình sẵn có và xây mới trên nền đất trống, trong đó có phương án thiết kế cải tạo sân vận động Mỹ Đình và cải tạo nhà thi đấu trung tâm triển lãm Đà Nẵng thành bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, tại hội thảo, ông Trần Văn Nam – Đại diện Sở xây dựng Thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong khảo sát hiện trạng và xây dựng mô hình BVDC phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại Thành phố Đà Nẵng.

Sau chia sẻ của các chuyên gia, đại diện các đơn vị nghiên cứu, hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến trao đổi, góp ý của khách mời, để phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch khẩn cấp hoàn thiện, sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong tương lai.

Thu Vân/Tạp chí Kiến trúc