Hội thảo Hành động vì Khí hậu – Tổng kết hoạt động 2022 và Tầm nhìn 2023
(KTVN) – Nhằm thúc đẩy nỗ lực hành động vì khí hậu của các thành viên Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam VCCA và hướng đến COP27, ngày 24/11, Liên minh Hành động vì Khí hậu Việt Nam VCCA tổ chức Hội thảo tổng kết và nâng cao năng lực thành viên VCCA với phương pháp tiếp cận sáng tạo và bền vững. Đây là Hội thảo tổng kết thường niên tập trung tăng cường kết nối giữa các thành viên và các tổ chức có liên quan thông qua các hoạt động trao đổi kinh nghiệm và đóng góp tham luận.
Hưởng ứng Hội nghị COP 27 diễn ra tại Ai Cập có thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động”, với các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể, phía Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, đồng thời nhấn mạnh việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam, xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ, thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam… Điều này một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của nhiều các bên liên quan như Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức dân sự trong công cuộc phối hợp giải quyết những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra thông qua các biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng để thực hiện các cam kết.
Hội thảo hướng đến 3 mục tiêu chính:
- Trao đổi chuyên môn về các chủ đề: trái phiếu xanh tại Việt Nam, tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị trong ngành năng lượng tái tạo, công trình cân bằng năng lượng tại Việt Nam.
- Tăng cường kết nối đa bên giữa nhà hoạt động chính sách, tổ chức tài chính, nhà đầu tư, doanh nghiệp, và tổ chức xã hội có chung mục tiêu hướng tới phát thải ròng bằng 0.
- Tham gia tổng kết hoạt động VCCA 2022 và đóng góp ý kiến cho kế hoạch hoạt động của liên minh năm 2023.
Hội thảo bao gồm 2 phần. Phần 1 bao gồm tham luận của các đại diện thành viên liên minh VCCA. Phần 2 là phiên thảo luận.
Trong bài tham luận của mình, bà Jessica Nga Trần – Quản lý Quỹ Clime tại Việt Nam đã chia sẻ cơ hội tiếp cận vốn đầu tư cho các dự án xanh tại Việt Nam. Bà cho rằng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc huy động nguồn vốn xanh đồng thời còn nhiều tiềm năng thu hút vốn trên thik trường tài chính xanh khu vực và toàn cầu.
Tiếp nối Hội thảo là phần trình bày của TS Lê Hồng Lâm – Giảng viên Đại học Đà Nẵng. TS đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về thị trường điện Việt Nam và đưa ra đề xuất cho năng lượng tái tạo tham gia vào thị trường điện.
Kết thúc phần 1 là bài tham luận về công trình cân bằng năng lượng của Ông Trần Thành Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình xây dựng Quốc tế – IBPSA Việt Nam. Ông cho biết bối cảnh phát triển công trình xanh, công trình cân bằng năng lượng tại Việt Nam còn nhiều khó khăn do tư vấn còn nhiều kiến thức cũ, chưa chính xác, chưa có sự cập nhật phù hợp với môi trường khí hậu tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều dấu hiệu khả quan khi Chính phủ đã có sự quan tâm, ban hành khung chính sách cũng như sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ.
Hội thảo tiếp tục với phần thảo luận chuyên môn. Các diễn giả đã nhận được nhiều câu hỏi của các đại biểu nhằm làm rõ hơn các quan điểm, kiến thức về nguồn tài chính, năng lượng sạch, công trình xanh.
VCCA là một thành viên của Liên minh Hành động vì Khí hậu Quốc tế (ACA), một mạng lưới các liên minh đa bên cùng cam kết hỗ trợ thực hiện và thúc đẩy các mục tiêu khí hậu của quốc gia mình đồng thời hợp tác để tạo nên làn sóng hành động vì khí hậu trên khắp thế giới.
VCCA tập trung vào các lĩnh vực chính của nền kinh tế, bắt đầu với ngành năng lượng – ngành vô cùng cần thiết cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam và hiện đang là ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng phát thải khí nhà kính của cả nước. Trọng tâm hành động của VCCA sẽ bao gồm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tại các toà nhà thương mại và dân cư, phối hợp với chương trình Triệu ngôi nhà Xanh. Đồng thời, liên minh cũng sẽ thúc đẩy các chương trình khác như thành phố thông minh, xanh hoá sản xuất và sử dụng đất cho nông nghiệp xen kẽ với các công trình năng lượng tái tạo.
Hoạt động của VCCA và các thành viên được điều phối bởi GreenID và WWF-Việt Nam dưới sự hỗ trợ của Liên minh Hành động vì Khí hậu Quốc tế (ACA), với một phần hỗ trợ tài chính của dự án SHIFT SEA.
Tuyết Ngân – Hải Yến