Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng”
Ngày 26/11/2019, tại Hà Nội, Viện Viện liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng”. Hội thảo nhằm xin ý kiến góp ý của các đơn vị quản lý, các hiệp hội, tổng công ty, các đơn vị sản xuất về các nội dung cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng các chương trình kế hoạch tiếp theo để hoàn thiện tốt hơn Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Đỗ Thị Tường Nga, Vụ Phó Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết, ngày 12/4/2017, Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt “Đề án nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm ngành sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2020” tại quyết định số 299/QĐ-BXD. Theo đó, mục tiêu chung của Đề án nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD), đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội; Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành VLXD. Trong đó, mục tiêu cụ thể của Đề án gồm: Đến năm 2020, tập trung nâng cao năng suất và chất lượng của 04 nhóm VLXD chủ yếu: xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng; Đầu tư, nâng cao năng lực 03 phòng thử nghiệm vật liệu đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý; Hình thành và duy trì hoạt động 01 trang thông tin điện tử về năng suất và chất lượng là nơi giới thiệu, chia sẻ thông tin, kiến thức và hoạt động của mạng lưới năng suất và chất lượng sản phẩm; Đào tạo được 100 chuyên gia năng suất và chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất VLXD; Xây dựng tối thiểu 04 mô hình điểm )mỗi nhóm sản phẩm tối thiểu 01 mô hình) làm cơ sở để tuyên truyền, vận động, phổ biến cho các cơ sở sản xuất khác học tập, áp dụng.
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe đại diện Bộ Công thương trình bày về kết quả và bài học kinh nghiệm từ dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm ngành Công thương giai đoạn 2012-2018. Đây là một ngành lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực và là 1 trong những Bộ triển khai đề án sớm nhất (2012).
Hội thảo cũng đã nghe các tham luận đến từ đại diện Sở Công thương Hà Nội trình bày giải pháp tiết kiệm năng lượng trong ngành sản xuất VLXD và hai tham luận của đại diện Viện Vật liệu xây dựng về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm VLXD sản xuất và sử dụng tại Việt Nam; Các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng tại nhà máy ứng dụng thí điểm (sản xuất vật liệu ốp lát).
Sau phần trình bày của các diễn giả, Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp có giá trị của các đại biểu tham dự, tập trung chủ yếu vào các nội dung: Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành sản xuất VLXD; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng sản phẩm; Nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm VLXD, tập trung vào việc xây dựng và tăng cường hệ thống tổ chức quản lý chất lượng sản phẩm và đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý chất lượng. Các ý kiến đều nhấn mạnh VLXD trong tương lai sẽ sử dụng vật liệu xanh, thân thiện với môi trường là khuynh hướng tất yếu; Vật liệu cần đáp ứng các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng khi sản xuất và sử dụng; Ưu tiên sử dụng các sản phẩm cách nhiệt, vật liệu lợp sinh thái, bê tông nhẹ, kính tiết kiệm năng lượng, xi măng xanh, vật liệu tái chế…
Ninh Hoàng Hạnh