Hội thảo “Giải pháp công nghệ tiên tiến để quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình”
Ngày 6/12/2019, tại Hà Nội, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng Hà Nội tổ chức Hội thảo “Giải pháp công nghệ tiên tiến để quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình”. Dự Hội thảo có lãnh đạo Công đoàn Xây dựng Việt Nam, đại diện các Bộ ngành Trung ương và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Cục trưởng Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, những năm qua công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được Nhà nước, Chính phủ quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho người lao động, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển bền vững và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Trong quá trình chỉ đạo điều hành, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về công tác đảm bảo ATVSLĐ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo xây dựng pháp luật theo hướng quy định rõ nội dung, tránh chồng chéo trách nhiệm đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước của các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với công tác ATVSLĐ trong thi công xây dựng công trình.
Hàng năm, Bộ Xây dựng đều ban hành các Chỉ thị, văn bản hướng dẫn về việc thực hiện các quy định của pháp luật và các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình. Ngoài ra, Bộ còn tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ ngành Xây dựng, tuyên truyền, cấp phát nhiều bộ tài liệu hướng dẫn các giải pháp, biện pháp đảm bảo ATVSLĐ cho các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong thi công xây dựng.
Cùng với sự chủ động, tích cực của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng cũng nỗ lực tổ chức thực hiện các giải pháp đảm bảo ATVSLĐ, xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, không ngừng đầu tư máy, thiết bị thi công hiện đại, áp dụng nhiều biện pháp, công nghệ xây dựng tiên tiến… Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã được các tổ chức quốc tế công nhận và cấp giấy chứng nhận về Hệ thống quản lý An toàn và Sức khoẻ nghề nghiệp như: Hòa Bình, Coteccons, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1)…
Tuy nhiên theo Cục trưởng Phạm Minh Hà, dù đã được tăng cường thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn, ngành Xây dựng vẫn là một trong những ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, hội thảo “Giải pháp công nghệ tiên tiến để quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình” là dịp để các chuyên gia trong nước, quốc tế trao đổi, chia sẻ và thảo luận về các các tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn lao động liên quan đến an toàn lao động trong xây dựng.
Phát biểu tại Hội thảo, Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội Phạm Duy Hòa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công công trình đối với việc bảo vệ tính mạng, tài sản người lao động, doanh nghiệp, quốc gia, đồng thời cho biết, trường Đại học Xây dựng Hà Nội rất chú trọng phối hợp với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hoạt động nhằm đảm bảo an toàn lao động trong thi công công trình theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Xây dựng.
Tham dự Hội thảo, các diễn giả trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận với nội dung phong phú, đa dạng, như: Định hướng soát xét, biên soạn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng; Giới thiệu về chương trình Building L.I.F.E (Living Injury Free Everyday – Sống an toàn mỗi ngày); Công tác quản lý an toàn trong quá trình thi công xây dựng các công trình hạ tầng giao thông; Thực trạng hiện nay về an toàn lao động trong thi công xây dựng tại Hàn Quốc; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý an toàn lao động trong hoạt động xây dựng; Tư vấn giám sát và công tác quản lý, đảm bảo an toàn lao động trên công trường; Đề xuất xây dựng Chương trình đào tạo khung về an toàn lao động đáp ứng nhu cầu của ngành Xây dựng hiện nay; Tập huấn tuyên truyền phổ biến tài liệu “Hướng dẫn quản lý an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình”.
Hưởng ứng chủ đề Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu khách mời đã sôi nổi thảo luận về ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để tổ chức quản lý về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp hoạt động trong thi công xây dựng; đánh giá nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa các sự cố, tai nạn lao động trong thi công xây dựng, đặc biệt là các sự cố, tai nạn liên quan đến việc thiết kế, sử dụng, vận hành các máy, thiết bị như: Giàn giáo, cần trục tháp, vận thăng, sàn treo nâng người, đồng thời đưa ra các đề nghị, kiến nghị liên quan đến công tác tổ chức thực hiện pháp luật về An toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Kết luận Hội thảo, Cục trưởng Phạm Minh Hà cảm ơn các diễn giả, đại biểu khách mời, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tham dự hội thảo đồng thời cho biết, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại biểu sẽ được Ban tổ chức tổng kết, báo cáo Bộ Xây dựng để nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ, hệ thống QCVN, TCVN về an toàn lao động trong thi công xây dựng.
Trần Đình Hà/moc.gov.vn