02/12/2021

Hội thảo Chuyển đổi số Việt Nam trong lĩnh vực BĐS

Hôm nay, Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021 (Vietnam DX Summit 2021) được tiếp tục ngày thứ 2 với Hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số cho lĩnh vực Bất động sản.

Đây là 1 trong 07 hội nghị chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Chuyển đổi số Việt Nam 2021. Diễn đàn được tổ chức vào ngày 1, 2 và 4/12 trực tuyến qua nền tảng Zoom Webinar, bàn về những lĩnh vực được ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi số trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia được Chính phủ phê duyệt năm 2020, bao gồm: Chuyển đổi số cho ngành Tài chính – Ngân hàng; Y tế; Giáo dục; Nông nghiệp; Giao thông – Logistics; Bất động sản; Sản xuất – Công nghiệp; Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; và Chuyển đổi số các Doanh nghiệp Khởi nghiệp cùng 02 chuyên đề đặc biệt song song: “Hỏi đáp Cùng chuyên gia về nghiệp vụ, doanh nghiệp, công nghệ và giải pháp” và Chuyên đề “Giới thiệu những Sản phẩm/ Giải pháp/ Dịch vụ Chuyển đổi số riêng”. Bên lề sự kiện còn có triển lãm các giải pháp số, Kết nối hợp tác cung – cầu trong chuyển đổi số…

Tham dự Hội nghị CĐS trong lĩnh vực BĐS có ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Văn Đính – Phó tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, ông Hà Tuấn Khang – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Marketing, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land, ông Phan Văn Hưng – Giám đốc Công nghệ, Tập Đoàn Bất Động Sản CEN Group cùng với các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế theo dõi trực tuyến.

Ông Hà Quang Hưng cho biết: Thị trường BĐS Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Mặc dù đại dịch Covid-19 tác động khó khăn, song thị trường BĐS vẫn có những tín hiệu tốt. Trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có 201 dự án nhà ở thương mại, với 85.000 căn nhà được cơ quan chức năng cấp phép mới; trong đó, có 125 dự án, với 15.500 căn nhà đã hoàn thành. Cũng trong 9 tháng đầu năm, đã có 46 dự án với 10.000 căn hộ du lịch và khoảng 2.100 biệt thự du lịch được cấp phép mới. Thống kê sơ bộ trong 11 tháng năm 2021, đã có 110.000 sản phẩm nhà ở đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; khoảng 97.000 giao dịch BĐS thực hiện thành công.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng)

Để thích ứng với bối cảnh của đại dịch, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều tới CĐS. Ông Hưng nhận định: Dù điểm xuất phát về CĐS trong lĩnh vực BĐS chậm hơn so với các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng…, song đây là xu hướng tất yếu và cần chuyển đổi nhanh. Những công nghệ mới như BlockChain, AI, Data… ứng dụng vào lĩnh vực BĐS đã và sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cách thức giao dịch, mua bán, cho thuê và quản lý BĐS… theo hướng hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: CĐS trong lĩnh vực BĐS cần phải được đẩy nhanh. Bởi lẽ BĐS là loại hàng hóa rất đặc biệt, dịch chuyển chậm chạp, giao dịch rất phức tạp, dữ liệu thông tin nhiều, khối lượng lớn, kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng… rất nhiều công đoạn với các thủ tục phức tạp. Làm thế nào để rút ngắn được quy trình, thủ tục trong đầu tư, kinh doanh, quản lý BĐS là bài toán cả cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp đều mong muốn. CĐS sẽ giúp nghiên cứu, định hình BĐS, tích hợp dữ liệu để quản lý bằng các giải pháp công nghệ sẽ hiệu quả, chính xác, đơn giản hóa được rất nhiều quy trình và thủ tục giao dịch BĐS. CĐS cũng sẽ giúp các nhà đầu tư dự án BĐS có thể xây đựng dự án, tổ chức thi công xây dựng, tiếp cận thị trường và khách hàng, bán hàng cũng như quản lý, vận hành hiệu quả, giảm chi phí.

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

 

Tuy nhiên, hiện nay trong giao dịch mua bán, phân phối BĐS, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số còn ít và đơn giản. Các sàn giao dịch BĐS hiện mới chỉ ứng dụng công nghệ phục vụ hội họp, chào bán sản phẩm trực tuyến thay vì tổ chức trực tiếp, mà chưa ứng dụng chuyên sâu, có quy mô lớn. Một số đơn vị quản lý, vận hành các tòa nhà cũng mới chỉ ứng dụng công nghệ số ở một số khâu như quản lý thông tin khách hàng, thu phí…. Trong khi, CĐS có rất nhiều công nghệ, giải pháp có thể giúp lĩnh vực BĐS tối ưu hóa mọi hoạt động, nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh. Nếu ứng dụng các công nghệ mới, khách hàng từ xa cũng có thể xem và trải nghiệm được sản phẩm, dự án BĐS của chủ đầu tư thông qua công nghệ mô phỏng 3D, 4D…

Là đại diện cho 1 doanh nghiệp BĐS đang đẩy mạnh về công nghệ, ông Hà Tấn Khang cho rằng: Thị trường BĐS ngày càng có sự cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm khách hàng, mang lại những lợi ích cho khách hàng thì mới có cơ hội thành công. Muốn làm được điều này, phải giải rất nhiều bài toán phương thức kinh doanh truyền thống không thực hiện hiệu quả như nhu cầu thông tin về BĐS; kết nối môi giới BĐS với nguồn cung và khách hàng; định giá BĐS; công tác marketing, bán hàng…, trong khi đó, công nghệ ngày nay có thể giúp giải quyết triệt để các khó khăn này.

Ông Hà Tuấn Khang – Giám đốc Trung tâm Công nghệ Marketing, Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land

Theo ông Khang, hiện Meey Land đã và đang triển khai công nghệ “các điểm chạm” nhằm chuyển đổi toàn diện từ kết nối cung cầu, mua bán, quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ quản lý cho cơ quan nhà nước. Người mua có thể dễ dàng tìm được sản phẩm biết tình trạng pháp lý, giá BĐS cao hay thấp, kiểm tra quy hoạch, làm việc với công chứng… từ xa, thay vì phải đến các cơ quan nhà nước, hoặc gặp trực tiếp các bên liên quan.

Ông Phan Văn Hưng – Giám đốc Công nghệ, Tập Đoàn Bất Động Sản CEN Group

Ông Phan Văn Hưng – đại diện Tập Đoàn Bất Động Sản CEN Group đã có bài trình bày về Chuyển đổi số trong lĩnh vực định giá BĐS. Ông cũng cho rằng, CĐS là xu hướng và là nhu cầu thực tế doanh nghiệp BĐS cần thực hiện để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, để CĐS, mỗi doanh nghiệp BĐS phải có chiến lược, kế hoạch cụ thể và quyết tâm thực hiện, lựa chọn giải pháp phù hợp và chọn đối tác CĐS tin cậy.

PV