Hội thảo “Chuyển đối số trong xây dựng, quản lý và phát triển vùng”
(KTVN) – Nhằm góp phần phổ biến, nhận diện những vấn đề của chuyển đổi số trong quản lý phát triển vùng và đô thị, với chức năng đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ. Mới đây, tại Hà Nội, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU) chủ trì và phối hợp với Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam (VUPDA), Hiệp hội Tài chính Địa phương (KRDA) và Hiệp hội Phát triển Khu vực Hàn Quốc (LOFA) tổ chức Hội thảo Quốc tế với chủ đề “Digital Transformation in Regional Construction, Management, and Development – Chuyển đối số trong xây dựng, quản lý và phát triển vùng”.
Tham dự Hội thảo có GS. So, Jin Kwang – Giáo sư danh dự Đại học Gachon, Hàn Quốc; GS. Ki, Junghoon – Phó Chủ tịch KRDA; GS. Kim, Jaeyoung – Tổng Giám đốc LOFA; GS. Cho, Deok Ho – Giáo sư danh dự, Đại học Daegu.
Về phía Việt Nam có PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng HAU, Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA cùng các đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học để cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về những vấn đề của chuyển đổi số trong quản lý phát triển vùng và đô thị, với chức năng đào tạo, nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng HAU cho biết, đô thị hóa là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia phát triển cũng như đang phát triển. Quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị cần phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong đó quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn và đồng bộ, xây dựng đô thị cần phải làm nền tảng cho phát triển đô thị bền vững và quản lý đô thị cần phải hài hòa giữa lợi ích phát triển về kinh tế, xã hội và môi trường.
“Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị bền vững, hiện đại, văn minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Đặc biệt, khi chúng ta đang ở thế kỷ XXI – Thế kỷ của công nghệ số, thế kỷ của toàn cầu hóa và ứng dụng số thì vấn đề chuyển đổi số lại đặc biệt được quan tâm”. PGS.TS.KTS. Lê Quân nhận định.
Đánh giá về tính cấp thiết của hội thảo, GS. So, Jin Kwang – Giáo sư danh dự Đại học Gachon, Hàn Quốc cho rằng, Hội thảo Quốc tế là bước đầu hướng tới việc xây dựng một nền tảng học thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc để vượt qua sự hỗn loạn của thị trường toàn cầu khắc nghiệt.
So, Jin Kwang cũng nhấn mạnh: Tôi muốn nhân cơ hội này để kêu gọi các sinh viên của tôi tại Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như từ Hàn Quốc thúc đẩy giao lưu học thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc dựa trên nền tảng của Hội thảo này.
Nhìn nhận về công tác chuyển đổi số tại Việt Nam, Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch VUPDA cho rằng, vấn đề này được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nghị quyết 06/NQ-TW của Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình phát triển bền vững đô thị.
Thời gian qua, ở Việt Nam cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã.
Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đang trở thành xu hướng tất yếu, khách quan và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển đổi và xuất hiện các hình thái mới trong quản lý, vận hành, phát triển kinh tế – xã hội cũng như quản trị quốc gia. Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh cũng được đánh giá dựa trên 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo chính từ các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm của Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội thảo là cơ hội đặc biệt quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ, giao lưu hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp của Pháp, từ đó, nghiên cứu áp dụng tại địa phương, đơn vị, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số để hướng đến mục tiêu cuối cùng là mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân địa phương mình.
Tuyết Ngân