Hội nghị Tổng kết Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam”
Ngày 20/12/2018, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tổng kết Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam” (Đề án 1511). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chủ trì Hội nghị.
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cơ quan Thường trực Ban Điều hành Đề án) Phạm Minh Hà cho biết, Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 5/10/2010 và phê duyệt điều chỉnh theo Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 12/10/2012 với mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường năng lực kiểm định nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn công trình xây dựng, đáp ứng yêu cầu xây dựng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Đến nay, Đề án đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Nhiều nội dung nghiên cứu của Đề án được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật và được Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền về điều chỉnh các hoạt động thí nghiệm, kiểm định, giám định như Luật Xây dựng 2014, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Nghị định số 59/1015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Thông tư số 04/2014/TT-BXD về hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng, Thông tư số 17/2016/TT-BXD hướng dẫn về năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng, Thông tư số 06/2017/TT-BXD hướng dẫn hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng…; xây dựng và công bố 350 định mức chi phí cho công tác thí nghiệm, kiểm định, quan trắc trong lĩnh vực xây dựng.
Đến hết năm 2018, Đề án đã hoàn thành việc xây dựng quy hoạch hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, biên soạn một số tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật về thí nghiệm, kiểm định công trình xây dựng như: quy hoạch và lộ trình hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trong công tác thí nghiệm, kiểm định chất lượng, quan trắc công trình xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030; quy trình kiểm định, bảo trì các công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình; quy trình kiểm định quản lý chất lượng công trình cấp thoát nước sử dụng vật liệu composit cốt sợi thủy tinh; quy trình đánh giá an toàn kết cấu nhà ở và công sở hiện hữu; quy định chung về kiểm định đánh giá an toàn đập; hướng dãn khảo sát, kiểm định xác định tuổi thọ còn lại của các công trình xây dựng…
Đề án cũng đã biên soạn được các bộ tài liệu giảng dạy về quản lý phòng thí nghiệm, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, kiểm định xây dựng và quan trắc công trình xây dựng để phục vụ việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong các năm từ 2014-2017 và triển khai các khóa đào tạo thí nghiệm viên, kiểm định viên và nghiệp vụ quan trắc cho trên 14 nghìn học viên; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thí nghiệm, kiểm định, quan trắc trong lĩnh vực xây dựng cho 5.950 học viên.
Đề án đã hỗ trợ kinh phí đầu tư 121,18 tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm cho 20 tổ chức kiểm định gồm Trung tâm CDMI và thuộc các địa phương Bắc Ninh, Bình Thuận, Cần Thơ, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kiên Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, Hà Nam, Lạng Sơn, Lào Cai, Long An, Nghệ An, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Đến nay, các tổ chức kiểm định đã hoàn thành nội dung mua sắm trang thiết bị thí nghiệm, kiểm định theo danh mục đã được Ban Điều hành Đề án phê duyệt, nhờ đó, năng lực kiểm định, thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của các tổ chức kiểm định nêu trên đã được nâng cao một bước.
Đề án cũng giúp duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của Mạng kiểm định chất lượng công trình xây dựng Việt Nam; xây dựng bản tin Thí nghiệm và Kiểm định xây dựng; vận hành trang thông tin điện tử kiemdinhxaydung.gov.vn và trang thông tin điện tử quản lý số liệu Thí nghiệm – Kiểm định ilabweb.vn; tổ chức các hội thảo khoa học… giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp cập nhật những cơ chế chính sách, các tài liệu kỹ thuật đã được chuẩn hóa đến các tổ chức, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thí nghiệm, kiểm định và quan trắc công trình xây dựng.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Sở Xây dựng các địa phương trình bày các tham luận nêu bật những kết quả về tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng mà Đề án mang lại, đồng thời góp ý giúp Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo hoàn chỉnh Báo cáo.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng đánh giá cao sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trên toàn quốc trong quá trình triển khai Đề án, đồng thời nhấn mạnh, đến cuối năm 2018, Đề án “Tăng cường năng lực kiểm định chất lượng công trình xây dựng ở Việt Nam” đã hoàn thành về cơ bản và đạt được các mục tiêu ban đầu đã đề ra, với các kết quả, sản phẩm cụ thể, như: Nghiên cứu, đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách; hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm và đầu tư xây dựng cơ bản cho các tổ chức kiểm định tại các địa phương trên toàn quốc; hỗ trợ hoạt động nghề nghiệp cho tổ chức thí nghiệm, kiểm định, quan trắc trong lĩnh vực xây dựng.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị Cơ quan Thường trực Ban Điều hành Đề án tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các chuyên gia, hoàn chỉnh Báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trần Đình Hà/moc.gov.vn