19/05/2022

Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị

Ngày 18/5/2022, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Ban tổ chức)

Đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trần Tuấn Anh – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Văn Thành – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Trung ương Đảng có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Tại điểm cầu trực tuyến Cơ quan Bộ Xây dựng có Thứ trưởng Bùi Hồng Minh, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Đồng chí Trần Tuấn Anh cho biết, nội dung Nghị quyết 06-NQ/TW gồm 4 phần có liên quan chặt chẽ với nhau; trong đó nêu rõ các mục tiêu cụ thể: tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt trên 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5 – 1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 – 2,3%; số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950 – 1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000 – 1.200 đô thị. Đến năm 2025, 100% các đô thị hiện có và đô thị mới có quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; đến năm 2030, hình thành một số trung tâm đô thị cấp quốc gia, cấp vùng đạt các chỉ tiêu về y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa cấp đô thị tương đương mức bình quân của các đô thị thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và khoảng 85% vào năm 2030; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25 – 30% vào năm 2025, 35 – 40% vào năm 2030. Xây dựng mạng lưới đô thị thông minh trung tâm cấp quốc gia và cấp vùng kết nối quốc tế và 3 – 5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế vào năm 2030.

Nghị quyết xác định tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á; trong đó, xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với tỷ trọng lớn thuộc về các ngành kinh tế xanh, kinh tế số.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết số 06-NQ/TW nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, cụ thể là: hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Thứ trưởng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Ban tổ chức)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sau khi Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng Chương trình Hành động của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết này.

Thứ trưởng Bùi Hồng Minh và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng tham dự Hội nghị tại điểm cầu Cơ quan Bộ Xây dựng

Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi đến UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương gợi ý một số nội dung cơ bản để các địa phương đề xuất Chương trình phát triển đô thị của tỉnh, làm cơ sở xây dựng Chương trình Hành động của Chính phủ. Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, phát triển đô thị là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn và năng lực kiểm soát cao, nhưng đồng thời cũng tạo ra giá trị gia tăng lớn và mang lại lợi ích kinh tế, xã hội vượt trội, thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia, mỗi khu vực trong từng giai đoạn. Để hiện thực hóa quan điểm Nghị quyết số 06-NQ/TW, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành có liên quan quán triệt sâu sắc các nội dung, tinh thần của Nghị quyết, sớm đưa ra các chương trình, kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể. Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp, đề xuất tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thay mặt Ban Cán sự, lãnh đạo Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW. Bộ Xây dựng rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng – Thường trực Ban Bí thư ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng thời nhấn mạnh, đây là những ý kiến có tính gợi mở để nghiên cứu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Trung ương Đảng (Ảnh: Ban tổ chức)

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 06-NQ/TW, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên phải nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, sâu sắc nội dung Nghị quyết. Trên cơ sở đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước; thống nhất nhận thức và hành động trong hoàn thiện thể chế quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện Nghị quyết với lộ trình và phân công cụ thể; bổ sung, cụ thể hóa các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết vào kế hoạch năm và theo từng giai đoạn của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; định kì kiểm tra, đánh giá việc thực hiện.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, công tác quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá để phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả; phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực xã hội cho phát triển đô thị. Ban Cán sự Đảng, Chính phủ cần sớm ban hành Chương trình Hành động triển khai Nghị quyết đảm bảo sát các nội dung và phù hợp với từng địa phương, từng vùng.

Đồng chí Võ Văn Thưởng tin tưởng: với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Nghị quyết 06/NQ-TW sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trần Đình Hà/moc.gov.vn