25/05/2017

Hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của phát triển đô thị trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ trong Nghị quyết: “Đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, gồm một số đô thị lớn, nhiều đô thị vừa và nhỏ liên kết và phân bố hợp lý trên các vùng. Nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng…”.


Bộ Xây dựng đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch việc hoàn thiện bộ công cụ về quy hoạch để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị.

Để thể chế hóa sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó đề ra nhiệm vụ “… Đổi mới cơ chế chính sách, phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…”.

Trong những năm qua, các Bộ ngành đã tham mưu xây dựng để Chính phủ trình Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến công tác đầu tư xây dựng và phát triển đô thị gồm: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đất đai…. Các quy định này đã hình thành một khung pháp lý quy định thống nhất, đơn giản hóa cho toàn bộ công tác đầu tư. Tuy nhiên, phát triển đô thị là một lĩnh vực có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch đô thị, đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, môi trường và quản lý hành chính, dân cư… Các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định và điều chỉnh đầy đủ quá trình hình thành, đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển đô thị; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, pháp nhân, cá nhân trong quản lý phát triển đô thị.

Để đảm bảo điều tiết quá trình quản lý phát triển đô thị, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị, với mục tiêu chung là: Hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nhằm kiến tạo môi trường sống đô thị có chất lượng, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của các đô thị, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng và cả nước.

Thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, những mục tiêu cụ thể mà Việt Nam hướng đến, đó là thúc đẩy đầu tư phát triển và tăng cường quản lý phát triển hệ thống đô thị theo Định hướng, Quy hoạch tổng thể, Chiến lược, Chương trình phát triển đô thị và có kế hoạch; tạo lập các đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án phát triển đô thị có hệ thống hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; bổ sung hành lang pháp lý cho việc phát triển đô thị đáp ứng yêu cầu chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái; đa dạng hóa các nguồn lực phát triển đô thị.

Luật bao gồm 6 chính sách hướng tới mục tiêu giải quyết những vấn đề bất cập nổi bật hiện nay trong công tác quản lý phát triển đô thị. Cụ thể, thứ nhất là chính sách Phát triển đô thị theo định hướng, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Thứ hai là chính sách Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ. Thứ ba là chính sách Quản lý đầu tư phát triển đô thị. Thứ tư là chính sách Phát triển đô thị chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái. Thứ năm là chính sách Đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị. Thứ sáu là chính sách Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

6 chính sách nêu trên với hiệu lực pháp lý của văn bản Luật được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam hạn chế mặt trái và phát huy những lợi thế của quá trình đô thị hóa cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch việc hoàn thiện bộ công cụ về quy hoạch để quản lý trật tự xây dựng, phát triển đô thị. Cụ thể, đến năm 2018, hoàn thành việc lập quy quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung các đô thị; cơ bản hoàn thành quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đối với những khu vực cần phải có quy hoạch, quy chế.

Bên cạnh đó, là công tác rà soát các quy hoạch liên quan đến công tác quản lý đô thị, nhất là tại các TP lớn. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội và UBND TP.HCM tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là việc quy hoạch, cấp phép xây dựng các khu đô thị mới, chung cư cao tầng.

Thực hiện nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị các cấp với Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp cho giai đoạn 2016 – 2020”, Bộ Xây dựng hiện phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực theo chức danh, vị trí việc làm đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp.

Bộ đồng thời tổ chức phổ biến và hướng dẫn pháp luật; tăng cường làm việc với các địa phương, các nhân, tổ chức có liên quan để rà soát, tổng kết đánh giá tình hình thực hiện để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc nghiên cứu áp dụng các mô hình phát triển đô thị theo hướng tiết kiệm tài nguyên đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và các nguồn lực xã hội, thân thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững…

TS Nguyễn Tường Văn
Cục trưởng Cục Phát triển đô thị – Bộ Xây dựng