Theo số liệu được công bố tại Hội thảo “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai” do Ban Kinh tế Trung ương; Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức mới đây cho thấy: Từ năm 2013 đến nay, đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các đơn thư khiếu nại, tố cáo (trên 60%). Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục, từ mức chiếm 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.
Ảnh minh họa
Cũng trong khoảng thời gian này, số vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Tòa án Nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%).
Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp. Có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều tổ chức, nhiều người, trong đó có cả cán bộ có chức vụ cao, gây thiệt hại lớn đối với tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và niềm tin của xã hội đối với Đảng và Nhà nước.
Thực tiễn áp dụng pháp luật về đất đai cũng cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động như: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…); thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất…
Chỉ rõ nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên, các chuyên gia pháp luật cho rằng, có những hạn chế, bất cập trong chính sách, pháp luật về đất đai cũng như sự chồng chéo, chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong quản lý và tạo ra những khe hở của luật pháp để một số cá nhân và tổ chức lợi dụng tham nhũng và trục lợi, gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục và quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn kém hiệu quả; việc thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý đất đai chưa tốt. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm; hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp…
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Tuy nhiên, trước những tồn tại trên dẫn đến quản lý nguồn lực đất đai chưa hiệu quả, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan đã được các cấp, ngành chức năng đặt ra.
Dẫu vậy, việc sửa đổi luật này trong thời gian tới cần phải đồng bộ, thống nhất với Hiến pháp; khắc phục xung đột, chồng chéo với các luật chuyên ngành. Đặc biệt, việc sửa đổi phải hướng tới tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu; đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích người dân theo nguyên tắc thị trường để bảo đảm sự công bằng, minh bạch.