02/10/2020

Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng

Sau gần 3 năm triển khai Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng, Bộ Xây dựng bước đầu đạt được những thành quả đáng kể, nhất là ở 2 mục tiêu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống định mức và hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xây dựng.

Loại bỏ, sửa đổi 4.300 định mức lạc hậu

Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18/12/2017 (Đề án 2038) có mục tiêu là rà soát, loại bỏ các mức giá lạc hậu, không phù hợp với giai đoạn hiện nay; xác định phương pháp mới để xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu thực tế quản lý giai đoạn hiện nay. Từ đó sẽ góp phần nâng cao quản lý các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với các dự án công, nâng cao năng suất, tạo dựng thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng…

Đề án 2038 giao Bộ Xây dựng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Đề án 2038, công tác quản lý nhà nước về xây dựng đã có những tác động tích cực. Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương rà soát, loại bỏ các định mức lạc hậu, sửa đổi, bổ sung nhiều định mức phù hợp với tình hình thực tế.

Riêng Bộ Xây dựng đã hoàn thành công tác rà soát 16.005/16.005 định mức xây dựng do Bộ công bố và đã loại bỏ 1.005 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.896 định mức.

Ông Phạm Văn Khánh – chuyên gia kinh tế, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định: Việc loại bỏ những định mức lạc hậu chính là loại bỏ những yếu tố gây phát sinh chi phí đầu tư xây dựng dẫn đến thất thoát lãng phí, qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng công trình, khuyến khích phát triển công nghệ xây dựng, nâng cao trình độ quản lý, nâng cao năng suất lao động và ứng dụng các vật liệu mới.

Việc loại bỏ các định mức lạc hậu đồng thời khắc phục tình trạng nhiều chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cố tình hoặc vô ý áp dụng các định mức đã lạc hậu làm tăng chi phí dự án theo hướng gây lãng phí, thất thoát. Hạn chế việc áp dụng sai hoặc lợi dụng áp dụng sai định mức làm tăng chi phí khi áp dụng khoa học công nghệ, khi áp dụng đơn giá nhân công xây dựng…

Theo ông Khánh, định mức sau khi rà soát bước đầu phản ánh được năng suất lao động trung bình tiên tiến, trình độ phát triển công nghệ xây dựng, trình độ quản lý, ứng dụng vật liệu mới của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và khắc phục được một số bất cập về phạm vi, đối tượng áp dụng của hệ thống định mức để nâng cao hiệu quả quản lý.

Việc hoàn thiện hế thống định mức, giá xây dựng là điều kiện rất tốt triển khai các dự án đầu tư xây dựng

Việc hoàn thiện hế thống định mức, giá xây dựng là điều kiện rất tốt triển khai các dự án đầu tư xây dựng

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Một thành quả nổi bật khác của việc triển khai Đề án 2038 là góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xây dựng. Điển hình, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu hội nhập quốc tế và giải quyết những phát sinh từ thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế cho Nghị định 32/2015/NĐ-CP, có hiệu lực từ 01/10/2019.

Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng cũng đã khẩn trương ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định 68/2019/NĐ-CP.

Mới đây nhất, tháng 7/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Những hành lang pháp lý nói trên với các quy định mới bước đầu bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, đáp ứng yêu cầu thực tế quản lý phù hợp với thị trường và hội nhập quốc tế; thống nhất quản lý, tránh lợi dụng, lạm quyền làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình gây thất thoát, lãng phí.

Ông Phạm Văn Khánh nhận định: Việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách này có tác động rất lớn đến hiệu quả đầu tư các dự án. Nếu chúng ta đảm bảo việc phân cấp, phân quyền, cũng như hệ thống các công cụ quản lý đầy đủ, kịp thời, đảm bảo xác định chi phí hợp lý và phù hợp với cơ chế thị trường, thì việc thực hiện các dự án sẽ đảm bảo chất lượng, tiến độ và không vượt chi phí dự tính… Đây là điều kiện rất tốt triển khai các dự án đầu tư xây dựng, cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng thực hiện hiệu quả một số mục tiêu khác của Đề án 2038 như xác định phương pháp xây dựng định mức, giá xây dựng mới; Hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị…

Quý Anh/BXD