22/09/2021

Hiện đại hóa hồ sơ địa chính

Luật Đất đai 1993 đã được sửa đổi vào các năm 2003, 2013, nhưng các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai vẫn chiếm 70-80%, gây bức xúc xã hội. Một trong những nguyên nhân là hệ thống hồ sơ địa chính còn nhiều hạn chế. Có thể đây là vấn đề cần quan tâm trong sửa đổi Luật Đất đai lần này.

Mới đây, báo cáo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai 2013, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu 9 định hướng, trong đó có xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận.

Hồ sơ không đầy đủ, bị thất lạc

Đối tượng điều chỉnh của Luật Đất đai là các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đất đai mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu nhưng tạo điều kiện tối đa để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thụ hưởng các quyền của người sử dụng đất và chịu trách nhiệm pháp lý của họ.

Luật Đất Đai 1993 quy định: Chính phủ chỉ đạo và tổ chức việc lập bản đồ địa chính thống nhất trên phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện nay) ban hành quy trình kỹ thuật, quy phạm xây dựng bản đồ địa chính. Bản đồ địa chính gốc được lưu giữ tại cơ quan quản lý đất đai ở Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Các bản sao lưu giữ tại các địa phương, có giá trị như bản gốc.

Tập đoàn ATCOM thực nghiệm sử dụng ảnh vệ tinh và trí tuệ nhân tạo (AI) lập bản đồ khảo sát đánh giá thảm thực vật cây xanh tỉnh Quảng Nam: Bản đồ thể hiện/ phân tích biến động qua các năm và tự động kết xuất số liệu
Nguồn: Hanoidata & City Solution

Luật Đất đai hiện hành quy định: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật trong việc cắm mốc địa giới hành chính, lập hồ sơ địa giới hành chính các cấp.

Tuy nhiên, hồ sơ địa chính tại nhiều địa phương không đủ 3 bộ, bị thất lạc khi thay cán bộ. Nhiều địa phương đã giao đất dự án, thu hồi, chuyển đổi biến động đất đai nhưng không cập nhật hồ sơ khiến công tác quản lý đất đai xảy ra rất nhiều thiếu sót.

Chẳng hạn như Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình) rộng hơn 1.500ha, từ năm 2006-2012, tỉnh Ninh Bình đã giao đất cho 3 cơ quan Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An và UBND huyện Gia Viễn. Đến năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới cho biết việc giao đất này “không thể hiện loại đất/mục đích sử dụng đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật Đất đai”.

Hầu hết các lâm trường quốc doanh không có bản đồ phần đất mình đang quản lý. Tranh chấp đất rừng đang xảy ra trên diện tích rộng. Năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kết quả tổng kiểm kê đất đai, có số liệu không kèm bản đồ.

Cấp thiết hiện đại hóa

Việt Nam đã du nhập địa chính Pháp từ đầu thế kỷ XX. Nha Địa dư Đông Dương do các kỹ sư Pháp điều hành, đào tạo các nhân viên người Việt thành thạo các nghiệp vụ đo đạc, biên vẽ bản đồ và hồ sơ đăng ký nhà đất cũng như thu thuế đất tư, cho thuê đất công. Hồ sơ – bản đồ địa chính Hà Nội có hơn 20.000 thửa đất tỷ lệ 1/200 trong hơn 900 tờ bản đồ. Nhân viên địa chính hàng ngày cập nhật biến động bằng bút chì vào bản đồ và sổ sách một cách chính xác. Quy hoạch Hà Nội  được nghiên cứu trên nền  bản đồ địa chính. Những phố mới mở, các tờ bản đồ được chỉnh lý và lưu vết khoa học. Hồ sơ, bản đồ địa chính Hà Nội hoạt động trơn tru, không sai sót, kiện cáo trong 80 năm (1885-1965).

Các họa viên (Dessinateur-F) đang can vẽ bản đồ Việt Nam với sự giám sát của chuyên gia người Pháp tại Nha Địa dư Bắc kỳ, đầu thế kỷ XX

Địa chính hiện đại toàn thế giới đã ứng dụng rộng rãi các công cụ quan trắc bề mặt Trái đất (Earth Observation) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để lập hồ sơ địa chính chính xác, nhanh chóng, do rút ngắn thời gian phân tích/ tổng hợp dữ liệu thủ công nên giảm chi phí nhân công, đầu tư hạ tầng. Bản đồ ảnh vệ tinh và không ảnh từ thiết bị bay chụp không người lái (UAV) cho sản phẩm chất lượng cao, chi phí thấp và thân thiện với mọi người, đã được sử dụng tại Việt Nam 5-10 năm nay. Điều đó cho thấy có nhiều cơ hội để có hồ sơ địa chính hiện đại, thích dụng hơn rất nhiều với hệ thống hồ sơ địa chính hiện nay.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội/Đại biểu Nhân dân