26/04/2018

Hệ thống pháp luật về xây dựng chuyển biến mạnh mẽ

 “Công tác tham mưu, xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng có chuyển biến mạnh mẽ, có sự đổi mới trong tư duy, cơ bản đáp ứng được việc xây dựng Nhà nước xã hội pháp quyền, xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế cũng như những yêu cầu thực tiễn của đất nước trong từng giai đoạn phát triển”, đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi đề cập đến những thành quả của công tác hoàn thiện thể chế ngành Xây dựng qua 60 năm.


Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong những năm qua.

Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện

Cũng đề cập đến vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Xây dựng Tống Thị Hạnh cho biết: Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển ngành Xây dựng, cùng với sự phát triển của các công trình xây dựng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật ngành Xây dựng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, ngày càng được hoàn thiện, phát huy hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước.

Theo bà Hạnh, những văn bản pháp luật đầu tiên đặt nền móng cho chính sách pháp luật ngành Xây dựng được ban hành kể từ những năm 1960, 1970, ví dụ như Thông tư số 120-TTg năm 1969 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ và quan hệ giữa đơn vị giao thầu và đơn vị nhận thầu trong ngành Xây dựng cơ bản; Chỉ thị số 119-TTg năm 1969 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý các công trình xây dựng dưới hạn ngạch; Nghị định số 242-CP năm 1971 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ lập, thẩm tra, xét duyệt thiết kế các công trình xây dựng; Chỉ thị số 385/CP năm 1977 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh xây dựng và tăng cường quản lý các khu nhà ở…

Tiếp đến những năm 1980, 1990, 2000, liên quan đến ngành Xây dựng có Nghị định số 232/HĐBT năm 1981, Nghị định số 385/HĐBT năm 1990, Nghị định số 177/CP năm 1994, Nghị định số 42/CP năm 1996 ban hành Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Nghị định số 52/1999/NĐ-CP năm 1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP năm 2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP năm 2003 ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng…

Cho đến năm 2003, các văn bản pháp luật ngành Xây dựng chủ yếu mới tập trung vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, xây dựng các khu nhà ở và chưa được luật hóa. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Xây dựng số 16/2003/QH11, đánh dấu mốc quan trọng trong công cuộc hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng. Đây cũng là văn bản luật đầu tiên điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

Trong các năm tiếp theo, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua Luật Nhà ở (năm 2005), Luật Kinh doanh BĐS (năm 2006), Luật Quy hoạch Đô thị (năm 2009). Hệ thống pháp luật ngành Xây dựng ngày càng được hoàn thiện, bao trùm các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, khẳng định vị trí to lớn của ngành trong nền kinh tế nước ta.

Trong quá trình phát triển, đổi mới của nền kinh tế xã hội, cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, các văn bản quy phạm pháp luật ngành Xây dựng cũng liên tục được rà soát, đánh giá toàn diện, hoàn thiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Năm 2014, Bộ Xây dựng đã hoàn thành trình Quốc hội thông qua 03 dự án Luật quan trọng gồm: Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi, thay thế các Luật trước đó với những quan điểm, tư tưởng đổi mới mang tính đột phá nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng.

Bên cạnh đó, những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng được ban hành đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng.

Gần đây nhất, trong năm 2017, ngành Xây dựng được ghi nhận là nỗ lực cao trong việc tích cực rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 quy định các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng theo hướng làm rõ, minh bạch hóa các loại giấy tờ về đất đai về cấp giấy phép xây dựng…

Năm 2018, hoàn thiện dự thảo, trình ban hành 3 dự án luật

Với mục tiêu, tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống công cụ quản lý để kiểm soát có hiệu quả các hoạt động đầu tư xây dựng, trong năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục nhanh tiến độ soạn thảo, trình Quốc hội 03 dự án Luật quan trọng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Thứ nhất là dự án Luật Quản lý phát triển đô thị với mục tiêu hoàn thiện hệ thống công cụ pháp luật điều chỉnh các hoạt động về phát triển đô thị hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước… Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Thứ 2 là dự án Luật Kiến trúc với mục tiêu tạo công cụ pháp lý đồng bộ, toàn diện các hoạt động kiến trúc, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam và đội ngũ kiến trúc sư, cán bộ quản lý kiến trúc đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kiến trúc, hành nghề kiến trúc sư. Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, thông qua tại kỳ họp thứ 7.

Thứ ba là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Quy hoạch đô thị với mục tiêu củng cố, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh BĐS nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng; đẩy mạnh phân cấp quản lý Nhà nước; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Dự án Luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Bộ Xây dựng đồng thời tổ chức triển khai Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng; Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng…

Bên cạnh đó, Bộ hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng để ban hành; Soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền Nghị định, Thông tư thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng tại Nghị quyết số 101/NQ-CP; Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết Luật Xây dựng như Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng…

Ngoài ra, Bộ Xây dựng tập trung soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh, Đề án An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ; Xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương nhằm thực hiện đồng thời, song song các thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Quý Anh/BXD