Hành trang cho sinh viên kiến trúc thời hội nhập
Đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, chất lượng nguồn nhân lực nói chung và kiến trúc sư (KTS) nói riêng hiện đang là vấn đề được quan tâm lớn.
Đã có những cuộc thi tuyển thiết kế trong nước và quốc tế, đã có nhiều thương hiệu lớn từ các nước đến Việt Nam tham dự, họ đã thành công ngay trên “sân khách”. Thực trạng ấy đặt ra cho công tác đào tạo KTS những yêu cầu cấp thiết, những giải pháp để đào tạo ra nguồn nhân lực có sức cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu của thị trường mang tính quốc tế.
Còn nhiều trở ngại
TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, (trường ĐH Phương Đông, Hà Nội) cho biết: Những năm gần đây, ước tính mỗi năm có gần 2.000 KTS mới gia nhập thị trường, trong đó có khoảng 98% KTS được đào tạo trong nước, còn lại là được đào tạo ở nước ngoài. Hiện nay, cả nước có 26 trường đại học đào tạo KTS, trong đó có, gần 1/2 số trường có thâm niên đào tạo ít hơn 15 năm. Như vậy cho chúng ta thấy, sự phát triển cực nhanh của các cơ sở đào tạo KTS.
Bàn về dự định hợp tác với các chuyên gia, tổ chức quốc tế là công tác được lãnh đạo trường Đại học Kiến trúc TP HCM chú trọng và thường xuyên thực hiện. (Ảnh: ĐH Kiến trúc TP HCM)
Trong những khó khăn hiện tại của môi trường đào tạo KTS trong nước, TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân nhấn mạnh tới chương trình đào tạo. Theo đó, các trường vẫn đưa vào chương trình các nội dung kiến thức tương tự như nhau về kiến trúc công trình công cộng, nhà ở, cấu tạo, quy hoạch, thiết kế đô thị… Một số trường có đưa kiến thức sâu hơn về kiến trúc bền vững, yếu tố bền vững trong quy hoạch, song, chương trình đào tạo dài vẫn tập trung về các nội dung kỹ thuật, trang bị lý thuyết, thiếu tư duy, sáng tạo, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế.
Cũng với những trăn trở về phương pháp đào tạo để trang bị hành trang cho đội ngũ KTS mới sẵn sàng hội nhập quốc tế, đặc biệt hơn để thực hiện lộ trình thực hiện công nhận bằng cấp và chứng chỉ hành nghề KTS giữa các nước Asean, PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: Việc thay đổi mô hình giảng dạy phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, bị giới hạn trong nhiều khuôn khổ về cơ chế quản lý, nguồn nhân lực, khung chương trình… Đây là việc không hề đơn giản mà đặt ra nhiều khó khăn và thách thức đối với các cơ sở đào tạo.
Việc chuyển đổi đào tạo từ niên chế sang tín chỉ trong khi số lượng sinh viên kiến trúc quá lớn khiến cho việc chuyển đổi này trở thành một thách thức lớn dù đào tạo theo tín chỉ là đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.
PGS.TS.KTS Nguyễn Vũ Phương khẳng định: Nguyên tắc cơ bản trong việc đổi mới đào tạo KTS là phải lấy sinh viên làm trọng tâm. Sinh viên cần một mô hình năng động trong đổi mới đào tạo, bản thân mỗi sinh viên phải tự giác trong học tập, tự tìm ra các hướng giải quyết mới trong các trường hợp khác nhau. Việc đổi mới phương pháp học tập sẽ giúp sinh viên hoàn thiện và đáp ứng các điều kiện cho việc hành nghề KTS.
Chủ động thích ứng
Để chủ động thích ứng với những đòi hỏi của lĩnh vực kiến trúc, để có sức cạnh tranh và tồn tại thì hầu hết các trường đào tạo kiến trúc sư đã có những thay đổi về chương trình, phương pháp đào tạo để trang bị cho sinh viên kiến trúc cả về nhận thức, chính sách, thông tin, tri thức, con người và chương trình hành động.
Một buổi Workshop Kiến trúc “AA Visiting School” do trường Kiến trúc thuộc Hiệp hội Kiến trúc Vương quốc Anh (Architectural Association, Inc – AA) phối hợp cùng Đại học Kiến trúc TP HCM tổ chức ở Việt Nam. (Ảnh: Đại học Kiến trúc TP HCM)
Là “chiếc nôi” của nhiều KTS nổi tiếng, để sinh viên của mình đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tự tin hành nghề, trường Đại học Kiến trúc TP HCM đã định hướng xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực kiến trúc sư với các chuẩn đầu ra được trang bị từ kiến thức về khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn đến lý thuyết chuyên ngành và những lĩnh vực khác liên quan tới kiến trúc. Không những vậy, sinh viên của trường ĐH Kiến trúc TP HCM còn được trang bị những kỹ năng làm việc trong mọi hoàn cảnh và có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm với xã hội…. Tất cả những chương trình đào tạo này với mong muốn sinh viên Kiến trúc TP HCM khi ra trường đều có khả năng thích nghi với mọi môi trường làm việc.
Theo TS.KTS Nguyễn Quốc Tuân, hiện các cơ sở đào tạo KTS đang có những hướng đi, mục tiêu khác nhau thì từng cơ sở nên lựa chọn những phương thức riêng, phù hợp để đảm bảo sinh viên tốt nghiệp phát huy tối đa những kiến thức “nền” đã học trong nhà trường. Mô hình chương trình khung trước đây nay đã không còn phù hợp bởi tư duy cứng hóa và tính “mở” thấp. Vì thế, cần xây dựng những mô hình đào tạo gọn, sâu, sát với môi trường hành nghề; tăng nội dung về phát triển bền vững trong đào tạo kiến trúc và quy hoạch; tạo các hoạt động mang tính cộng đồng để sinh viên đến gần với thực tiễn hơn. Đây chính là mô hình đào tạo có tính mở; hệ thống đồ án tránh dần trải theo loại hình và cần quốc tế hóa công tác đào tạo, hướng đến gia nhập các tổ chức công nhận văn bằng tương đương.
Hội nhập là cần thiết nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa địa phương. Đây là điều khó trong quá trình hội nhập của các KTS. Vì vậy, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông (Hội KTS Việt Nam) đã khẳng định: Bất luận trong trường hợp nào, trong chương trình đổi mới không thể thiếu các môn học về văn hóa nghệ thuật Việt Nam để các KTS Việt Nam sáng tạo kiến trúc Việt Nam có bản sắc trong hội nhập.
Mai Thanh/Báo Xây dựng