16/03/2022

Hành lang xanh ở Hà Nội phải được thực hiện chứ không chỉ trên quy hoạch

Hà Nội đang dồn dập tin tức quy hoạch, rà soát đánh giá quy hoạch chung đã lập 10 năm trước để điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch TP đôi bờ sông Hồng… Hành lang xanh ở đâu trong bản quy hoạch Hà Nội?

Chuyện 10 năm trước

Năm 2005, khi phía Đông Hà Nội còn loay hoay với thành phố sông Hồng thì ở phía Tây, tỉnh Hà Tây cũ đã giao đất ồ ạt cho các dự án quy mô lớn, diện tích nghiên cứu lên tới hàng ngàn ha.

Cho tới thời điểm trước khi sáp nhập vào Hà Nội (2008) đã có 744 dự án đề xuất, trong đó phần lớn là các dự án bất động sản (BĐS) thương mại. Bản đồ cho thấy, các dự án BĐS được giao phần lớn nằm trong hoặc kế cận hành lang thoát lũ sông Hồng – vốn là vùng đất trũng, bán ngập thuộc lưu vực sông Đáy, sông Tích.

Vùng trũng ngập đã hình thành cả ngàn năm, được bảo vệ, hạn chế định cư cả trăm năm nhưng chỉ trong 1-2 năm đã bị giao đất làm dự án BĐS.

Trong 3 năm (2005-2008), Hà Tây giao hàng chục ngàn ha đất đô thị vào hành lang thoát lũ sông Hồng được hình thành trong hàng ngàn năm

Sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội lập quy hoạch chung nhằm hạn chế phát triển đô thị tự phát như vết dầu loang. Chiến lược “hành lang xanh” và 5 thành phố vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn… là nội dung chính trong bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1259/TTg năm 2011(QHC 1259).

Tháng 10/2011, Hà Nội công bố báo cáo rà soát đánh giá QHC1259 liên quan đến hành lang xanh trong mô hình cấu trúc. Báo cáo nhận định  “đây là mô hình phù hợp với xu hướng chung của các nước đang phát triển, phù hợp với thực tế phát triển của Thủ đô; đảm bảo cho đô thị trung tâm sẽ được giảm tải… Xác định rõ ranh giới phát triển đô thị trong mạng lưới, khoảng cách ly giữa các đô thị là các khoảng không gian đệm gắn vùng cảnh quan sinh thái nông nghiệp, không gian văn hóa, giải trí…”.

Sau 10 năm thực hiện (2011- 2021) đô thị phát triển tự phát không theo ranh giới mà theo vết dầu loang: chia cắt/phá vỡ hành lang xanh, vành đai xanh

Tuy vậy, sau 10 năm thực hiện, kết quả là: “Thực tế các vành đai xanh, nêm xanh chưa được chú trọng bảo vệ phát triển; Các khu đô thị được thực hiện với rất nhiều dự án riêng lẻ, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ kết nối; Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khung chưa có kế hoạch đầu tư. ”.

Thuyết minh QHC 1259 chỉ ra “hành lang xanh” có vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích nhằm đảm bảo sự phát triển cân bằng với bảo tồn các tài nguyên sinh thái quan trọng bao gồm thảm xanh, mặt nước đô thị, sông sinh thái, vùng ngập nước… những điều kiện để duy trì phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững sinh kế của hơn 2 triệu nhân khẩu trong vùng nông nghiệp và cả sự bền vững cấu trúc xã hội, văn hóa lịch sử. Hành lang xanh còn đảm bảo cho Hà Nội thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu. Cụ thể, không chỉ vượt qua thảm họa ngập lụt, mà còn nạn khô hạn, ô nhiễm nước/đất/không khí, nguy cơ xâm nhập năm do sông cạn, nước biển dâng. Hành lang xanh còn cung cấp mạng lưới giao thông đường thủy nội địa quan trọng với chi phí thấp/ hiệu quả cao/ giảm ô nhiễm, tạo cảnh quan đẹp.

Hành lang xanh chiếm 70% diện tích của thành phố Sông Hồng

Hành lang xanh cần được phát triển trong Quy hoạch Thủ đô

Hành lang xanh chiếm 70% diện tích tự nhiên Hà Nội nhưng vẫn đủ bớt ra hơn 50 nghìn ha đất lúa để phát triển đô thị, đủ không gian tăng thêm hơn 3 triệu người (160m2/người); đủ cho hơn 9 triệu người (tăng 1,5 lần so với dân số 2008 – 6,2 triệu).

Các đề xuất giảm diện tích hành lang xanh xuống 60% để tăng đất đô thị 40% do dân đô thị tăng cần được cân nhắc, nhất là rà soát các dự án đô thị không thực hiện, thực hiện xong không có người ở, còn gọi là “ đô thị ma” – làm ra chỉ để mua đi bán lại lòng vòng.

Mặc dù đã chuyển đổi hàng chục ngàn ha đất lúa (đất công) thành BĐS thương mại (sở hữu tư nhân) nhưng ngân sách thu về không đủ để đầu tư hạ tầng đô thị.

Báo cáo QHC 1259 cho biết, tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt khoảng 10,07% (yêu cầu 18 – 26%) thậm chí còn thấp hơn tỷ lệ đường nội thành (số liệu của JICA năm 2006 là 10,30%). Đường sắt đô thị phải vay đầu tư hơn 2 tỷ USD trong hàng chục năm để làm 20km, có 13,5km vận hành năm 2021, đạt 7% mục tiêu của năm 2020.

Hạ tầng giao thông Hà Nội sau 10 năm thực hiện quy hoạch chung 1259 không đạt các chỉ tiêu, đặc biệt yếu kém về giao thông đường sắt và đường thủy. Trong khi thế mạnh này rất có tiềm năng và đã được khai thác hiệu quả từ hàng trăm năm trước.

Báo cáo QHC 1259 về giao thông đường thủy nội địa cho biết “các tuyến sông thực hiện định kỳ nạo vét luồng lạch, cải tạo theo lộ trình. Vận tải đường thủy, đường bộ bị hạn chế do vướng tĩnh không cầu Long Biên và cầu Đuống”.

Thực tế, 251/300 km (84%) đường thủy vẽ ra trong QHC 1259 trên các sông Tích, Đáy, Nhuệ, Thiếp, Cà Lồ… hầu như không hoạt động. Cầu Trần Hưng Đạo được tư vấn dựa vào tiêu chuẩn mặt nước của Bộ NN&PTNT để tự vẽ ra 9,5m – thấp hơn các cầu mới (11m).

Chủ đầu tư cầu Đuống mới còn hạ thấp tới 7m cho cầu đường sắt, trong khi vẽ cầu đường bộ gần đó lại lấy cao 9,5m mặc dù Luật đường thủy nội địa đã quy định “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định việc phân loại, phân cấp kỹ thuật, tiêu chuẩn cấp kỹ thuật, công bố tuyến đường thuỷ nội địa và quy định việc tổ chức quản lý đường thuỷ nội địa”.

Quy hoạch Thủ đô cần những phương án tích hợp đa lợi ích: cầu qua sông Hồng không chỉ thuận cho đường bộ mà hạn chế đường thủy, loại bỏ đường sắt mà còn tạo phải ra không gian ngầm có giá trị tại trung tâm đô thị rộng hàng trăm ngàn mét vuông, nhượng quyền khai thác thu hàng tỷ USD. (Các ảnh minh họa do Hanoidata & CitySolution cung cấp)

Trong nhiệm vụ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra mục tiêu quy hoạch phải “phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô… kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng…”.

Năm 2010, Bộ GTVT và JICA đã hợp tác nghiên cứu toàn diện về phát triển bền vững hệ thống giao thông vận tải Việt Nam chỉ ra, vận tải thủy nội địa vốn là lợi thế của đồng bằng sông Hồng, nơi có 1.230km đường thủy, mật độ 0,2km/1km2. Giai đoạn khó khăn cũng đáp ứng gần 10 triệu tấn/năm và nhu cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, tập trung tuyến Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Trong tổng thể giao thông Hà Nội 10 năm qua cho thấy đầu tư đường bộ, đường sắt đô thị đắt đỏ và hụt hơi trong quan hệ cung cầu thì đường thủy nội địa cần được chú trọng do lợi thế sẵn có, đầu tư thấp, hiệu quả cao, lợi ích nhiều mặt và kết nối mạnh mẽ liên thuộc đa dạng về lĩnh vực/đa hướng về địa lý.

Đây không phải là phát hiện mới mẻ, mà đã được xác định từ lâu, Hà Nội chỉ cần khắc phục những thiếu sót “nói mà chưa làm” liên quan đến chiến lược hành lang xanh trong QHC 1259 đã được quảng bá mạnh mẽ cách đây 10 năm.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội/Vietnamnet