Hàng chục dự án bị thu hồi, Hà Nội quyết tâm không để “đất vàng” lãng phí
Đầu tháng 6-2020, UBND TP Hà Nội thông báo thu hồi khoảng 8.000m2 đất mặt đường Phạm Hùng, Dương Đình Nghệ (quận Nam Từ Liêm) đang được cho thuê làm showroom ô tô trái quy định. Khu đất này trước kia được Hà Nội giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý để xây dựng DA đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm ngành nghề truyền thống và dịch vụ kinh tế hợp tác. Trên thực tế, nó đã bị “biến tướng” với hàng loạt kiốt, nhà xưởng không phép mọc lên, điểm nhấn chính là hàng nghìn mét vuông được đơn vị này cho một showroom ô tô thuê trái phép. Lực lượng chức năng UBND quận Nam Từ Liêm từng phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, động thái quyết liệt của Hà Nội cho thấy tình trạng các DA chậm tiến độ, thậm chí để đất hoang hóa một thời gian dài, không có dấu hiệu hoạt động sẽ không có cơ hội kéo dài thêm sự chây ì nữa. Tính từ năm 2018 trở về đây đã có hàng chục DA dạng này bị thu hồi. Gần đây nhất, tháng 12-2019, thông báo tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, đã có 28 DA chậm triển khai với tổng diện tích hơn 1.700 ha đã được thu hồi.
Đến nay, trong tổng số 383 DA sử dụng đất chậm triển khai, chủ yếu vốn ngoài ngân sách. Cùng với 28 DA bị thu hồi sẽ còn 24 DA khác có tổng diện tích 35,8ha được TP đánh giá chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng sẽ được đưa vào diện thử thách, gia hạn 24 tháng. Sau thời gian trên nếu không được thực hiện sẽ bị thu hồi theo quy định. Bên cạnh đó có tới 39 DA với tổng diện tích 34ha chậm triển khai có vi phạm pháp luật về đất đai đã được TP yêu cầu tổ chức khắc phục.
Cùng thời gian này, TP đã rà soát và đưa ra khỏi danh sách 83 DA với tổng diện tích 273 ha. Lý do, các DA này sau khi được TP và các Sở ngành liên quan phối hợp đôn đốc các chủ đầu tư DA đã đưa vào triển khai. 44 DA đang trong quá trình thực hiện vướng về công tác GPMB đã tập trung đôn đốc tháo gỡ; 54 DA với tổng diện tích 1.305 ha, TP đã có quyết định giao đất nhưng chậm GPMB, hiện đang rà soát và tháo gỡ.
Cũng tại kì họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng cho biết, có 18 DA chậm triển khai, TP đã ban hành quyết định, bố trí nguồn lực, giao cho các quận, huyện tiến hành thu hồi đất đưa vào sử dụng.
Không chỉ năm 2019, ngay trong năm 2018 đã có tới 47 DA nằm trong diện bị thu hồi. Tháng 11-2018, Sở TN&MT Hà Nội tiếp tục lập hồ sơ trình UBND TP thu hồi đối với 8 DA khác vi phạm pháp luật về đất đai. Trong đó, có 3 DA Sở TN&MT đã ban hành thông báo thu hồi đất, gồm: DA xây dựng chợ Lâm Sản Thượng Cát tại quận Bắc Từ Liêm do Cty TNHH Một thành viên Đầu tư và phát triển Nông nghiệp là chủ đầu tư; DA khai thác cát làm vật liệu san lấp tại huyện Ba Vì do Cty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư, và khu đất diện tích 2.387m2 tại quận Hoàng Mai do Cty CP Cơ khí xây dựng giao thông Thăng Long chiếm dụng làm khu chứa rác, phế thải. Ngoài ra, còn có 5 DA với tổng diện tích 62.255m2, Sở TN&MT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi.
Đối với 47 DA nằm trong danh sách thu hồi, có 8 DA không triển khai, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư. Trong đó, có 4 DA Sở TN&MT trình UBND TP ban hành quyết định thu hồi với tổng diện tích 2.677.986m2 đất; 4 DA tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP xem xét, xử lý theo quy định.
Gia Bảo/Pháp luật và Xã hội