09/07/2022

Hầm đường bộ qua đê trên phố Trần Quang Khải: Cần khắc phục những hạn chế tổng thể

Tháng 7/2022, Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư Xây dựng hầm đường bộ chui qua đê, nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ, quận Hoàn Kiếm. Dự án còn tồn tại những quan ngại.

Cần công bố các yêu cầu của Bộ Nông nghiệp &PTNT về an toàn đê điều

Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đường Trần Quang Khải nối từ phố Trần Nguyên Hãn sang phố Chương Dương Độ bằng BTCT khẩu độ BxH=18,25×3,2m; Chiều dài L=15,7m… với tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là hơn 100 tỷ đồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khat thi và giao UBND Quận tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát, tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan đối với dự án đầu tư và các nội dung lưu ý tại văn bản thông báo kết quả thẩm định số 2998/SGTVT-KHTC ngày 09/6/2022 của Sở Giao thông Vận tải.

Được biết Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2014. Năm 2015, UBND Thành phố Hà Nội đã cơ văn bản gửi Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị thỏa thuận quy mô dự án. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp & PTNT chưa thống nhất về qui mô hầm do có nguy cơ rủi do mất an toàn trong phòng chống lũ, gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành đê. Sau 7 năm ( 2015-2022), Theo ông Trịnh Hoàng Tùng  – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, cho biết “phương án đảm bảo an toàn đê, cũng đã được nghiên cứu và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cơ bản đồng thuận, và do tính cấp thiết của công trình, dự kiến sẽ được khởi công trong quý 4 năm 2022 và hoàn thành trong quý 3 năm 2023”.

Để dự án mang lại nhiều lợi ích cho địa phương và tổng thể Thành phố, khắc phục một số hạn chế cơ bản…có thể gây lãng phí đất đai, tiền bạc cũng như cản trở cơ hội phát triển bền vững tổng thể toàn Thành phố.

Những hạn chế của phương án hầm chui qua đê trên phố Trần Quang Khải

1. Tháng 4/2022, Hà nội công bố quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Sông Đuống’ trong đó vẽ chỉ giới đường đỏ ngoài đê rộng 50m, lòng đường 34m (8 làn xe) dài 11,3km (từ Phú Thượng tới Thanh Lương): tạo lực hút mạnh mẽ kết nối đường từ trong phố xuyên qua đê ra đường ven sông. Chỉ tính 2,5km qua trung tâm (từ cầu Chương Dương đến Vân Đồn) đã có khả năng nối thông 9 đường từ trong phố ra ngoài đê, trong đó có hầm chui Vân Đồn (số 9) đã hoạt động và Hầm chui Chương Dương Độ nối Trần Nguyên Hãn (số 2) đang lập dự án. Câu hỏi đặt ra là sau khi hầm chui số 2 hoàn thành, mở đường cho 7 hầm chui khác thực hiện thì con đường vượt qua 9 hầm chui này sẽ tạo “làn sóng uốn lượn”, liên tục nhấp nhô, tạo nỗi kinh hoàng cho các phương tiện lưu thông.

Mô hình Hầm chui qua đê và Sơ đồ 9 hầm chui qua đê kết nối với đường ven sông 8 làn xe trong Quy hoạch phân khu sông Hồng. Nguồn City Solution & hanoidata

2. Do những hạn chế về độ dốc đường vượt trên nóc hầm, nên chiều cao hầm khống chế 3,2 m. Thấp như vậy sẽ cản trở các phương tiện cao trên 3m: xe khách lớn, xe cẩu, xe thùng chuyển rác và đặc biệt là xe cứu hỏa công suất lớn không qua lại. Điều này trở nên nguy hiểm khi mật độ dân số tập trung cao số dân của 2 phường ngoài đê thuộc quận Hoàn Kiếm cao hơn số dân của 8 phường trong khu phố cổ.

3. Quận Hoàn Kiếm có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, lại không có chỗ đỗ ô tô xe máy: chỉ đáp ứng 15% diện tích đỗ xe, còn 85 % đỗ bừa bãi dưới lòng đường vỉa hè. Hiện dọc đê trên phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải đã bố trí bãi đỗ xe mặt đất và dàn trên cao, nhưng số lượng rất nhỏ. Trong khi làm hầm chui thì rất lãng phí đất làm đường dốc cho xe cộ lại gây nguy hiểm cho người đi bộ, xe đạp

4. Thu ngân sách quận Hoàn Kiếm cơ bản từ dịch vụ -du lịch. Sau 2 năm COVID, nguồn thu suy giảm, trong khi chi phí quản trị hành chính dịch vụ đô thị ngày càng cao, đòi hỏi cần tạo cơ hội tăng thu ngân sách. Dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng làm hầm và mở rộng đường Chương Dương Độ mà chỉ đặt ra mục tiêu tăng thu khai thác quỹ đất ngoài đê là ngắn hạn không bền vững.

5. Việc sử dụng cửa ngăn nước chạy bằng điện lần đầu tiên thực hiện tại trung tâm Hà Nội mà chưa rõ căn cứ vào quy chuẩn an toàn cũng như quy trình vận hành / quy chế hoạt động bảo trì, cơ quan chịu trách nhiệm …là những nội dung trọng yếu cần làm rõ. Các kỹ sư thủy lợi lão luyện người Pháp đã thiết kế, xây dựng đập Đáy để xả lũ sông Hồng vào hành lang thoát lũ …Nhưng đã trục trặc ngay sau khi hoàn thành (1937) là lời cảnh báo quan trọng đối với các thử nghiệm chưa qua kiểm chứng

Các dự án đô thị cần tuân thủ Quy hoạch Thủ Đô giai đoạn 2021-2030

Tháng 3/2022 Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.Mục tiêu lập quy hoạch là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững. Căn cứ vào mục tiêu trên, nhóm tư vấn hợp tác quốc tế “ Giải pháp đô thị – City Solution” đã đề xuất phương án quy hoạch tích hợp đa ngành, đa mục tiêu đa lợi ích mang tên “Cổng ra Sông” kết hợp với tổ hợp không gian giao thông động và tĩnh tại vùng cận biên trung tâm thành phố, với khối lượng 5.000 chỗ đỗ xe, đáp ứng 25 % nhu cầu đỗ xe quận Hoàn Kiếm: “Mega Parking” cho Thành phố.

Đề xuất đường trên cao 6m chạy phía trên các “Cổng ra Sông” kết hợp Mega Parking có 5.000 chỗ đỗ xe bên dưới. Nguồn City Solution & hanoidata

Tạo lối ra sông cao > 6m cho tất cả các loại xe, tạo đường trên cao thẳng và phẳng kết nối cầu Chương Dương. Bằng cách “Nhượng quyền phát triển – TDR” (Transfer of Development Rights), ngân sách có thẻ thu 4-5 nghìn tỷ đồng từ 5 nghìn chỗ đỗ xe – Lãi ra gấp đôi tổng đầu tư. Với nguồn lợi thu từ kinh doanh dịch vụ trông giữ và bảo dưỡng xe… Doanh nghiệp trúng thầu cung cấp dịch vụ có nguồn thu ổn định và lợi ích không tách rời việc bảo trì, vận hành thường xuyên các cửa ngăn nước tại các cửa khẩu qua đê: Hóa giải tất cả những quan ngại liên quan dự án

Trần Huy Ánh/Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội