Hà Nội yêu cầu giám sát đối tượng sau khi được mua nhà ở xã hội
Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đã được đề nghị phải bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…
Sở Xây dựng Hà Nội vừa ban hành văn bản số 736/SXD-PTĐT về việc thực hiện chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”.
Cụ thể, Sở Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố bảo đảm công tác xét duyệt đúng đối tượng và đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trình tự thủ tục theo quy định.
Sau khi ký hợp đồng bán, cho thuê ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm lập đầy đủ danh sách các hộ gia đình, cá nhân đã ký hợp đồng tại dự án, có dán ảnh các thành viên trong hộ gia đình. Đồng thời ban hành quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, đơn vị quản lý vận hành, công an theo dõi địa bàn về nhân khẩu, tạm trú, tạm vắng đối với các hộ dân sinh sống trong nhà chung cư để tổ chức kiểm tra, theo dõi.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chuyên đề “Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2025”. Chuyên đề nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021- 2025”. Trong đó, thành phố xác định 5 giải pháp:
Một là tăng cường giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;
Hai là tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng nhằm kiểm tra danh sách các đối tượng được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, xác định đúng đối tượng được hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Ba là tăng cường giám sát sử dụng nhà ở xã hội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội và các chủ đầu tư nhà ở xã hội thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy định về giám sát đối tượng sau khi được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Ngoài ra, công an thành phố chỉ đạo công an quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn nơi có nhà ở xã hội thông qua quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng để theo dõi những hộ, nhân khẩu đang cư trú thực tế; nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ gia đình và xác định các trường hợp bán lại, cho thuê lại, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, vận hành, bảo hành, bảo trì nhà ở xã hội theo quy định; Năm là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng nhà ở xã hội thông qua hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh lao động tại các công trình đang thi công.
UBND TP yêu cầu các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã căn cứ triển khai chuyên đề lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ Chương trình số 10-CTr/TU của Thành ủy.
Được biết, để nhằm đáp ứng nhu cầu và đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho người dân, UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2025 với mục tiêu cụ thể: năm 2022 sẽ phát triển 8.419.000m2 sàn nhà ở. Trong đó có 241.000m2 sàn nhà ở xã hội; 152.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 3.526.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Năm 2023, phát triển 9.514.000m2 sàn nhà ở. Trong đó có 192.000m2 sàn nhà ở xã hội; 88.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.734.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Năm 2024, phát triển 9.696.000m2 sàn nhà ở. Trong đó có 239.000m2 sàn nhà ở xã hội; 92.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 4.865.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Năm 2025, phát triển 11.104.000m2 sàn nhà ở. Trong đó có 409.000m2 sàn nhà ở xã hội; 122.000m2 sàn nhà ở tái định cư; 5.992.000m2 sàn nhà ở thương mại; 4.500.000m2 sàn nhà ở riêng lẻ.
Thanh Xuân/VnEconomy