Hà Nội yêu cầu báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản từ ngày 6/5
Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ban hành quy chế phối hợp về việc báo cáo, cung cấp thông tin dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn, quyết định có hiệu lực từ ngày 6/5.
Các dự án bất động sản trên địa bàn Hà Nội phải báo cáo theo Quy chế này được quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Cụ thể, các chủ thể phải báo cáo gồm: Các dự án phát triển nhà ở; Đất nền để xây dựng nhà ở (đất đấu giá quyền sử dụng đất, đất dịch vụ); Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới; Dự án tòa nhà chung cư hỗn hợp; Dự án hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê; Dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn; Nhà ở riêng lẻ.
Đối tượng áp dụng quy định báo cáo thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản tại Hà Nội gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý và khai thác, sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; các UBND cấp huyện, cấp xã; chủ đầu tư các dự án trên địa bàn và các sàn giao dịch bất động sản, tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giớibất động sản.
Đầu mối tiếp nhận các dữ liệu báo cáo theo quyết định của Hà Nội là Sở Xây dựng, dữ liệu được báo cáo qua email hoặc văn bản, sau đó đơn vị này sẽ tổng hợp vào cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản. Về tần suất gửi báo cáo, theo quyết định của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các chủ thể, đơn vị liên quan có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và hàng năm.
Việc ban hành quyết định yêu cầu báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản của TP Hà Nội được thực hiện trong bối cảnh sau loạt chỉ đạo của các bộ ngành liên quan về việc tăng cường quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát các cơn sốt đất đang bùng phát.
Thực tế cho thấy, yêu cầu về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản được các chuyên gia đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu để quản lý, hạn chế phát sinh các hiện tượng nóng sốt giá đất như đã liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, sốt ảo bất động sản phần lớn do nhiễu loạn thông tin. Khi có thông tin về quy hoạch đô thị, hạ tầng… ngay lập tức giới đầu cơ lợi dụng tung tin, thổi giá. Biện pháp cần làm là xây dựng dữ liệu quốc gia về đất đai. Dựa vào số liệu này, Nhà nước kiểm soát và điều tiết thị trường bất động sản, đưa về đúng giá trị thực.
Cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản quốc gia được quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản như sau:
a) Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản do Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành ban hành theo thẩm quyền;
b) Số lượng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản;
c) Số liệu các dự án bất động sản; nhu cầu đối với các loại bất động sản theo thống kê, dự báo; về tình hình giao dịch bất động sản; về tài chính; cơ sở dữ liệu về sàn giao dịch bất động sản quy định tại Điểm b, c, d, đ Khoản 2 Điều 8 của Nghị định này được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản địa phương;
d) Các thông tin, dữ liệu về dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản;
đ) Cơ sở dữ liệu về cá nhân hành nghề môi giới bất động sản;
e) Các chỉ tiêu thống kê khác về tình hình phát triển thị trường bất động sản.
Lê Sáng/Diễn đàn doanh nghiệp