11/11/2020

Hà Nội xem xét, xử lý cán bộ liên quan vi phạm xây dựng, đất đai

UBND TP Hà Nội giao UBND 7 quận, huyện  xử lý dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai; xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện thị xã về việc tăng cường công tác kiểm tra, xác minh, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai theo nội dung phản ánh của báo chí.

Theo đó, UBND TP đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng, giao UBND 7 quận, huyện gồm: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì tập trung xử lý, dứt điểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai, khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, đất đai.

Đồng thời, xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức có liên quan theo quy định.

Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng hoàn thành việc xử lý vi phạm tại số 8B Lê Trực sau 5 năm xử lý vi phạm. UBND TP cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm tương tự trên địa bàn

Hà Nội vừa có báo cáo Thủ tướng hoàn thành việc xử lý vi phạm tại số 8B Lê Trực sau 5 năm xử lý vi phạm. UBND TP cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm túc, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc trong công tác quản lý, không để xảy ra các trường hợp vi phạm tương tự trên địa bàn

UBND TP cũng yêu cầu báo cáo UBND TP kết quả thực hiện, gửi các sở chuyên ngành để tổng hợp theo lĩnh vực ngành…

Bên cạnh đó giao UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để các vi phạm phát sinh. Chủ động tổ chức kiểm tra, xác minh khi có báo chí phản ánh, kịp thời xử lý theo thẩm quyền đối với các vụ việc trên địa bàn quản lý, trả lời báo chí theo quy định.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng chuyên ngành của Sở này cùng với UBND các quận, huyện, thị xã và Đội quản lý trật tự xây dựng đã tiến hành kiểm tra 10.531 công trình (đạt tỷ lệ 100% công trình); phát hiện, xử lý 237 trường hợp vi phạm mới. Trong đó, 59 trường hợp xây dựng không phép; 92 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 15 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 71 trường hợp có các vi phạm khác.

Ghi nhận từ thực tế tại Hà Nội cho thấy, vi phạm xây dựng từ công trình xây dựng riêng lẻ đến những dự án với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Thậm chí có những “siêu” dự án liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC với hàng loạt “trát phạt”.

Dự án Hinode City (quận Hai Bà Trưng) gần 5.000 tỷ liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC

Dự án Hinode City (quận Hai Bà Trưng) gần 5.000 tỷ liên tiếp vi phạm từ trật tự xây dựng đến PCCC

Có thể kể đến như vi phạm tại dự án Hinode City 201 Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex). Tháng 6 vừa qua, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), Bộ Công an đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do ông Võ Nhật Thăng làm đại diện pháp luật 103 triệu đồng do thi công, lắp đặt không đúng thiết kế về PCCC đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt và đưa nhà, công trình vào hoạt động khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC.

Chỉ 2 ngày sau quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ Công an, UBND quận Hai Bà Trưng có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Vietracimex do đã có hành vi bàn giao, đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan chức năng. Hành vi vi phạm trên bị xử phạt 75 triệu đồng.

Trước đó vào tháng 9/2019, chủ đầu tư công trình số 201 Minh Khai đã bị xử phạt 40 triệu đồng do “Tổ chức thi công xây dựng sai Giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. Tuy nhiên, hết thời hạn dự án vẫn chưa được cấp bổ sung GPXD, các sai phạm của chủ đầu tư vẫn không bị cưỡng chế phá dỡ thậm chí khi dự án đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch hợp thức hoá sai phạm, chưa được nghiệm thu công trình, PCCC đã cho dân vào ở bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

Mới đây, nêu tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ hợp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về tình trạng xây dựng trái phép, phân lô bán nền tràn lan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết trong thời gian tới Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng theo quy hoạch được duyệt; tiến hành thanh kiểm tra giám sát các công trình ngay từ giai đoạn khởi công đến khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Đặc biệt lãnh đạo Bộ Xây dựng nhấn mạnh, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định, không có vùng cấm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có thẩm quyền để xảy ra vi phạm mà không xử lý, xử lý không kịp thời, không triệt để hoặc có hành vi dung túng, bao che cho hành vi vi phạm.

Huỳnh Anh/Vietnamnet