Theo kế hoạch số 61/KH-SXD về triển khai đánh giá và phân loại biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội, được Sở Xây dựng ban hành vào 3/8/2017, tháng 9/2018 tới đây sẽ bắt đầu lộ trình phân loại biệt thự cũ tại Hà Nội.
Nhiều biệt thự bị người dân cơi nới, chất lượng và đường nét kiến trúc biến dạng nghiêm trọng. Ảnh: Thục Anh.
Cụ thể, Tổ công tác liên ngành được thiết lập gồm: Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Kiến trúc thành phố… sẽ kiểm tra thực tế, chụp ảnh nhà biệt thự, lập biên bản đánh giá, phân loại các biệt thự. Tháng 10/2018 họp Hội đồng thẩm định thành phố để thông qua kết quả đánh giá và phân loại danh mục biệt thự.
Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tổng hợp, hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo UBND Thành phố kết quả đánh giá và phân loại danh mục biệt thự để UBND Thành phố ban hành quyết định thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND (ngày 28/11/2013) của UBND thành phố về danh mục nhà biệt thự cũ.
Trước đó, từ năm 2014, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường quản lý việc bảo trì, cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn. Trong trường hợp đặc biệt phải phá dỡ nhà biệt thự (theo quy định tại Điều 10 Quy chế trên, đối với biệt thự nhóm 3), Sở Xây dựng, UBND quận liên quan phải kiểm tra phương án xây dựng lại công trình trên khuôn viên đất của chủ đầu tư (theo quy định là nhà thấp tầng, phù hợp với quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt), đề xuất báo cáo UBND Thành phố trước khi đề nghị cho chủ đầu tư được phá dỡ biệt thự.
Thống kê sơ bộ cho thấy, Hà Nội hiện có gần 1.600 biệt thự cổ. Trong đó, chỉ có khoảng 200 biệt thự là trụ sở làm việc của các cơ quan được bảo trì thường xuyên, chất lượng công trình còn khá tốt. Số còn lại phần lớn đều xuống cấp toạ lạc ở vị trí đắc địa như Hoàng Hoa Thám, Triệu Việt Vương, Tăng Bạt Hổ, Trần Quốc Toản… Một số biệt thự bị chủ sử dụng tự ý đập bỏ, xây mới trở thành nhà ở cao tầng, văn phòng cho thuê. Bên cạnh đó, do trước đây khó khăn về nhà ở cho cán bộ, nên nhiều biệt thự ở Hà Nội bị chia nhỏ cho cán bộ làm nhà ở (có hàng chục hộ gia đình cùng sinh sống). Vì nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh nên các hộ này tự ý cơi nới, khiến các khu biệt thự quá tải về công năng, các đường nét kiến trúc bị biến dạng.
Biệt thự là nhà ở riêng biệt, có sân vườn, hàng rào và lối ra vào riêng biệt, có số tầng chính không quá ba tầng, có ít nhất ba mặt nhà trông ra sân hoặc vườn. Diện tích xây dựng không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất, được xác định là khu chức năng trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo dự thảo “Tiêu chí phân loại biệt thự cũ”
Vân Hằng/Kinh tế Đô thị