17/06/2020

Hà Nội: Triển khai nhiều giải pháp giảm úng ngập mùa mưa

Chiều 16/6, tại hội nghị giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã thông tin về kết quả công tác quản lý duy trì thoát nước mùa mưa bão; các dự án khắc phục tình trạng úng ngập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng thông tin tại hội nghị

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng thông tin tại hội nghị

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, hệ thống thoát nước khu vực nội thành Hà Nội có diện tích 300km2; hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục được thành phố phê duyệt gồm: cống rãnh; kênh, mương; ga thu nước; hồ điều hoà; trạm bơm thoát nước mưa chính và nhà máy, trạm xử lý nước thải.

Về tình trạng úng ngập khu vực nội thành, trong 6 tháng đầu năm 2020, Thành phố tiếp tục xóa được 4 điểm úng ngập, gồm: Thanh Đàm, Nguyễn Chính, Giải Phóng và Phạm Văn Đồng. Còn 6 điểm úng ngập là: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Ngã 5 Đường Thành – Bát Đàn – Phùng Hưng, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Đại lộ Thăng Long; 6 điểm giảm thời gian và chiều sâu úng ngập khoảng 50% là Đội Cấn, Thụy Khuê, Minh Khai, Hoa Bằng, Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp.

Ngoài ra, còn một số điểm úng ngập cục bộ, tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp, như tại Quốc lộ 1A, Quốc lộ 70 (Xuân Phương, Tây Mỗ, Đại Mỗ, Hữu Hưng, Tây Tựu, Phú Diễn), Quốc lộ 32, Quốc lộ 21B; đường gom Đại lộ Thăng Long… sẽ gây khó khăn cho đời sống dân sinh và các phương tiện tham gia giao thông. Với các trận mưa nhỏ hơn 50mm trong 2 giờ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành – Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

Dự báo tình hình úng ngập những tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho hay, với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2h các tuyến phố chính vẫn tồn tại 12 điểm úng ngập. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h sẽ không xảy ra úng ngập, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Nhằm tăng cường hệ thống thoát nước, giảm úng ngập trong 6 tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết: Thành phố sẽ triển khai 6 giải pháp, gồm: Nâng cấp trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trước mùa mưa (đã hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020); đôn đốc, bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, chỉnh trang, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước…

Đến nay, Thành phố đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành 6 trạm xử lý nước thải (Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long – Vân Trì, Yên Sở, Bảy Mẫu và Hồ Tây). Ngoài ra, Thành phố đang thực hiện dự án “Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá”, dự kiến hoàn thành năm 2024. Cũng từ năm 2016 đến nay, Thành phố đã xử lý ô nhiễm đối với 90 hồ nội thành, lắp đặt bè thủy sinh trên 66 hồ, lắp máy sục khí tại 52 hồ và nạo vét bùn tại 10 hồ.

Để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020). Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn; Triển khai ứng trực 24/24h giải quyết thoát nước khi mưa, điều động toàn bộ nhân lực triển khai công tác thoát nước theo địa bàn được phân công.

Thông tin về công tác chỉnh trang đô thị, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa 2020, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh cho biết, đến nay, trên địa bàn 12 quận nội thành, đơn vị đã thực hiện cắt tỉa 18.925 cây/184 tuyến phố, 2 vườn hoa, tăng 12.491 cây/159 tuyến phố so với cùng kỳ năm 2019. Tại 17 huyện và thị xã Sơn Tây, đơn vị đã thực hiện cắt tỉa 19.276 cây/68 tuyến, tăng 12.758 cây/62 tuyến so với cùng kỳ năm trước.

Trong mùa mưa bão năm 2020, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, huy động 100% quân số thực hiện giải tỏa cây 24/24 giờ; huy động các lực lượng của quận, huyện theo phương châm “4 tại chỗ” để nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, gây cản trở giao thông trên các tuyến phố, các trục đường chính…

Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2020 cắt sửa khoảng 40.000 – 50.000 cây xanh các loại trên 790 tuyến phố, 39 công viên, vườn hoa, 7 khu đô thị với tiêu chí cắt sửa hạ độ cao, vén tán, cắt hết các cành khô, cành sâu mục, cành xoà vào nhà dân đảm bảo kỹ, mỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy đổ trong mùa mưa bão. Trong đó, ưu tiên cắt sửa những cây nghiêng nguy hiểm, nặng tán, hạ độ cao các loại cây có đường kính lớn, những cây có cành vươn, cành khô, vướng đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông, gỡ dây tơ hồng…

Để chủ động trong trường hợp mưa bão xảy ra, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó với một số tình huống thiên tai úng ngập nội thành, khắc phục sự cố cây gẫy, đổ trong mùa mưa bão trên địa bàn thành phố năm 2020. Cụ thể, khi nhận được thông tin, cán bộ trực của Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công ty được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu, duy trì cây xanh cần ghi chép đầy đủ, phản ánh tình trạng cây gẫy đổ, đường kính, chủng loại, địa điểm nơi cây đổ, gẫy cành theo từng địa bàn để xử lý kịp thời, chuẩn xác./.

Trung Anh/Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam