“Hà Nội: Tiểu sử một đô thị” là cuốn sách nằm trong Tủ sách “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến”-công trình chào mừng Hà Nội vào thời khắc nghìn tuổi. Được dịch từ cuốn “Hanoi: Biography of a city” của GS.TS William Stewart Logan, Đại học New South Weles, Sidney, Australia, Chủ tịch Quỹ Di sản và quy hoạch của UNESCO, cuốn sách này cũng được nhiều nhà nghiên cứu và người yêu Hà Nội chờ đón…
Giới thiệu về nội dung:
Như tên gọi, công trình này đúng là “tiểu sử ” một đô thị, một tiểu sử khá chi tiết và trải đều suốt một thiên niên kỷ. Dư luận quốc tế đã đánh giá đây là “cuốn sách đầu tiên vạch ra lịch sử của kết cấu một đô thị từ nguồn gốc của nó cách đây một ngàn năm trước” (Google books). Với biểu thời gian được xác định từ triều đại các vua Hùng (2879 TCN) đến kỷ niệm Hà Nội nghìn năm tuổi (2010), cuốn sách dẫn người đọc đi qua gần 400 trang với 8 chương từ “Ý thức hệ, ký ức và ý nghĩa di sản”, “Thăng Long, thành phố Rồng bay, Hà Nội thời kỳ tiền thuộc địa và những dấu ấn Trung Hoa”… cho tới “Đổi mới và Hà Nội những năm 1990”, “Hà Nội đối mặt với thiên niên kỷ mới”.
Và Hà Nội đã hiện ra với rất nhiều hình ảnh gần gũi, thân thương nhưng cũng đầy bất ngờ, mới mẻ. Trong đó có câu chuyện về việc trùng tu Ô Quan Chưởng qua các thời kỳ cũng như xác nhận hình dáng gốc của chiếc cổng này qua các tài liệu nước ngoài. Hay nghi vấn về tác giả thiết kế cầu Doumer (Long Biên) là Công ty Hãng Eiffel chứ không phải Gustave Eiffel… Và nhiều nữa những thông tin thú vị ngồn ngộn những sự kiện lịch sử, diễn tiến đời sống, văn hóa, xã hội dưới cái nhìn của W.S Logan khiến chúng ta thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội. Trong đó, nổi bật lên là những thông tin, phân tích về vấn đề quy hoạch, bảo vệ di tích với thông điệp: “Ở Hà Nội, cũng như các đô thị khác của Việt Nam, điều thiết yếu là nhu cầu hiện đại hóa cần được thừa nhận. Bảo vệ di sản không nên có nghĩa là hạn chế người dân Hà Nội tiếp tục sống trong những điều kiện dưới mức tiêu chuẩn. Cần phải tạo nên một sự cân bằng giữa việc duy trì những mối liên hệ với quá khứ và việc mở đường cho một tương lai xán lạn hơn”.
Có thể không phải là một cuốn sách dễ đọc, nhưng chắc chắn nếu để tâm dõi theo từng dòng chữ, những ấn tượng về Hà Nội sẽ lưu lại trong tâm trí ta với chiều sâu của “tiểu sử một đô thị”.
Giới thiệu về tác giả:
Tác giả là một nhà khoa học nghiêm túc và nhiệt huyết, một người “quan sát từ bên ngoài”. Chính điều đó giúp cuốn sách đem đến một sự trải nghiệm mới mẻ cho độc giả, với khá nhiều điểm nhìn khách quan, sắc sảo và sáng tỏ hơn người trong cuộc. Tuy đôi chỗ còn chưa thật thấu đáo hoặc trùng hợp với quan điểm của chúng ta, nhưng khoa học, văn hóa cần mở cửa để đón những ngọn gió mới; để cùng thảo luận về những thông tin luận điểm đã nêu lên… Hẳn đấy cũng là điều mong muốn của người viết sách.
Công việc nghiên cứu phục vụ cho cuốn “Hà Nội: Tiểu sử một đô thị” được tiến hành ở nhiều địa điểm (Hà Nội, Paris, Aix-en Provence, Moscow, Melbourne…). Qua nhiều năm, tác giả đã nhận được sự tham gia giúp đỡ của các chuyên gia kiến trúc, lịch sử… thuộc các tổ chức hữu quan của Hà Nội, Việt Nam, sự ủng hộ, khuyến khích của Tổ chức UNESCO, của Đại sứ quán, trường ĐH nhiều nước… Chỉ riêng vấn đề này thôi, ông đã làm cho Hà Nội thêm một lần trở thành tâm điểm chú ý, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, nhiều tổ chức văn hóa thế giới. Đó là một cầu nối vô hình, hữu hiệu cho sự hiểu biết của thế giới đối với Thủ đô của chúng ta.
Bên cạnh đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của tác giả như lời tự bạch: “ Gia đình tôi đã kiên nhẫn ráng chịu với nhiều chuyến đi ra nước ngoài của tôi để thu thập tư liệu cho cuốn sách”. Tất cả “đã chia sẻ niềm phấn khích cùng tôi đối với Hà Nội và Việt Nam”.
Thông tin về cuốn sách
Tên gốc: Hanoi, biography of a city
Tác giả: William Stewart Logan
Tên sách: Hà Nội: Tiểu sử một đô thị
Người dịch: Nguyễn Thừa Hỷ
Xuất bản: Nxb. Hà Nội
Năm xuất bản: 2010
Số trang: 408 trang