Hà Nội: Sử dụng ngân sách để đánh giá chất lượng chung cư cũ ngay trong năm 2021
Việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội được thực hiện trong gần 20 năm qua nhưng vẫn chưa đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lãnh đạo thành phố đã có những động thái tích cực để giải quyết vấn đề này. Mới đây nhất, Thành ủy Hà Nội đã đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021.
Sử dụng ngân sách để đánh giá chất lượng chung cư cũ ngay trong năm 2021
Xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong thời gian tới nhằm tiến tới mục tiêu tái thiết đô thị và phát triển kinh tế, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an toàn cũng như nâng cao điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho người dân, Thành ủy Hà Nội vừa đồng ý chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai việc kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô ngay trong năm 2021.
Cụ thể, Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố phối hợp Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách của thành phố trong việc quản lý các chung cư cũ, vì sự an toàn của nhân dân.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện “Đề án khung cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ;” trong đó lưu ý rà soát, tính toán phương án sử dụng đất và dân số phù hợp với từng khu vực và toàn thành phố, vừa bảo đảm tuân thủ các quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt, vừa đáp ứng tình hình thực tiễn của thành phố nói chung và từng khu vực nói riêng.
Cũng theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố báo cáo các cấp có thẩm quyền trình Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về các cơ chế, chính sách đặc thù trong việc cải tạo, xây dựng mới các chung cư cũ để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội.
Hà Nội cần phải làm điểm để rút kinh nghiệm chung cho cả nước
Nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đánh giá, Hà Nội đã rất tích cực nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Hiện nay, tất cả các đô thị đều mắc vấn đề này chứ không riêng gì Hà Nội. Theo ông Phạm Hồng Hà, vấn đề này đang vướng về cơ chế chính sách.
“Nếu Bộ Xây dựng và Hà Nội không quyết liệt thì sẽ không giải quyết được tồn tại, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với việc cải tạo chung cư cũ. Hà Nội cần phải làm điểm để rút kinh nghiệm chung cho cả nước” – Nguyên Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nêu quan điểm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 1.579 chung cư cũ, bao gồm 1.273 chung cư cũ thuộc 76 khu chung cư (trong đó có 34 khu có quy mô sử dụng đất từ 2 ha trở lên và 42 khu có quy mô sử dụng đất dưới 2 ha) và 306 chung cư cũ độc lập.
Các chung cư cũ hầu hết được xây dựng từ những năm 1960 đến 1992, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành và nội đô lịch sử. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội mới chỉ cải tạo, xây dựng lại được 18 chung cư (trên 1%); kiểm định được 378 chung cư cũ và đánh giá phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần A, B, C và D.
Hiện nay, cơ chế chính sách đang áp dụng là Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ còn nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ chế chính sách, các chỉ tiêu dân số, chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và xây dựng bị khống chế theo quy định và sự không thống nhất của các chủ sở hữu nhà chung cư dẫn đến tiến độ triển khai thực hiện rất chậm, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cuộc sống sinh hoạt và sự an toàn của hàng nghìn hộ dân.
Trước những tồn tại, vướng mắc đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, chỉ đạo các biện pháp tổ chức, triển khai thực hiện và cho phép thành phố xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ quan trọng, cấp bách này./.
Để có cơ chế đặc thù cho Thủ đô, trong đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ tới đây, Hà Nội dự kiến phân loại chung cư, tập thể cũ thành 3 nhóm, thiết kế chính sách riêng cho từng nhóm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt:
Nhóm 1: Là các khu tập thể với nhiều tòa chung cư, có diện tích từ 2-10ha. Nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tăng tối đa tầng cao và hệ số sử dụng đất) bảo đảm cân đối tổng thể toàn khu, đáp ứng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế cho phép.
Nhóm 2: Gồm 5 – 7 nhà tập thể cũ: Thực hiện như mô hình 1 đối với trường hợp diện tích đất nhỏ; nếu chưa khả thi và đạt hiệu quả đầu tư thì có thể nghiên cứu theo mô hình 3.
Nhóm 3: Tập hợp các chung cư độc lập, đơn lẻ: Thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận; bố trí tái định cư gộp các chung cư cũ đơn lẻ vào một số quỹ đất chung cư cũ hiện có.
Bảo Trân/Báo Tổ quốc