Hà Nội: Nâng cao chất lượng môi trường, hạ tầng kỹ thuật đô thị
Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011-2015” sau 5 năm thực hiện đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, tuyến trục chính, các cầu qua sông, cầu vượt các nút giao, cầu bộ hành, cầu yếu… góp phần tạo nên diện mạo mới thay đổi của Thành phố, từng bước tiến tới phát triển đô thị văn minh hiện đại, bền vững về môi trường.
Góp phần xây dựng đô thị hiện đại bền vững
Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội thì hiện nay, Thành phố đã hoàn thành cơ bản một số chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường. Sử dụng nước sạch đô thị đạt 100% với lượng nước sạch bình quân 130-150 lit/người/ngày đêm; các khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt 100%; đã thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý tập trung của thành phố đạt 100% lượng chất thải rắn ở 12 quận và thị xã Sơn Tây, 89% CTR ở 17 huyện ngoại thành. Ngầm hóa hệ thống cáp điện, thông tin tại các khu đô thị mới phát triển, tuyến đường mới mở đạt 100%.
Thành phố chủ động mọi nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết cấu hạ tầng GTVT nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung GTVT bao gồm: đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3 và vành đai 3,5; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng GTVT quan trọng giải quyết ùn tắc; xây dựng đường sắt đô thị; cải tạo nút giao, cầu vượt bằng thép; hoàn thành xây dựng các cầu Đông Trù, Nhật Tân, Phù Đổng 2, Vĩnh Thịnh…
Về cấp nước, thành phố đã tập trung chủ đạo về phát triển nguồn cung cấp nước sạch, duy trì và tăng nguồn nước và cung cấp ổn định với công suất 910.000-930.000 m3/ngày đêm.
Thành phố đã triển khai xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống (công suất 150.000m3/ngày đêm) và sông Hồng (2 dự án triển khai với tổng công suất 600.000m3/ngày đêm). Hoàn thành thi công xây dựng nhà máy nước Yên Viên (công suất 20.000m3/ngày đêm) và hệ thống đường ống cấp nước (tháng 7/2014) để cấp nước cho 7.000 hộ dân khu vực dự án.
Về thoát nước và xử lý nước thải, Thành phố tập trung thi công một số công trình chống úng ngập cục bộ; tổ chức nạo vét các tuyến sông đảm bảo khả năng đưa nước nhanh nhất về trạm bơm Yên Sở; kiểm soát và khống chế mực nước trên hệ thống cống, kênh mương và hồ điều hòa…
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường – Dự án II và đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 3 nhà máy xử lý nước thải (với tổng công suất tăng thêm khoảng 250.000 m3/ngày đêm, đạt 21% tổng công suất). Hiện nay, Thành phố hoàn thành chuẩn bị đầu tư để triển khai các dự án: Dự án cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội – trạm bơm Yên Nghĩa; Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm tiêu Đông Mỹ – huyện Thanh Trì.
Về xây dựng nghĩa trang, Thành phố đang triển khai GPMB mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ – Ba Vì và Thanh Tước – Mê Linh; xây dựng nghĩa trang Minh Phú – Sóc Sơn. Hoàn thành 2 cơ sở hỏa tang tại nghĩa trang Vĩnh Hằng – Ba Vì….
Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ngoài việc đảm bảo công tác thu gom rác thải, Thành phố đẩy nhanh công tác đầu tư các dự án xây dựng khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn quy mô 160ha (giai đoạn 2), khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (giai đoạn II)…
Vẫn còn nhiều bất cập
Tuy đã đạt nhiều kết quả, nhưng theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội thì Chương trình 07-CTr/TU vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Nhiều dự án xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị tiến độ còn chậm so với kế hoạch do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. Quá trình triển khai việc xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị vẫn còn hạn chế, chưa thu hút đầy tư; việc xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư còn chậm.
Nguồn vốn bố trí cho các dự án bị hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tình trang ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc và chậm trễ trong việc di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.
Do vậy, trong thời gian tới, Thành ủy Hà Nội xác định việc tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục hoàn chỉnh đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, các kế hoạch và đề án. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư và xã hội hóa đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị theo hình thức BOT, PPP…
Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó, tập trung hoàn thành chuẩn bị đầu tư và triển khai thi công tuyến ống dẫn số 2 nước Sông Đà, nâng công suất nhà máy nước sông Đà giai đoạn II lên 600.000 m3/ngày đêm; phát triển hệ thống đường ống truyền dẫn và phân phối cho các khu vực còn thiếu mạng lưới cấp nước; hoàn thành các dự án cấp nước trên địa bàn các huyện; phát triển hệ thống cấp nước nông thôn.
Theo Xây dựng