Sáng 24/9, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến Quý III/2018 của Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị. Cùng chủ trì có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn…
Hội nghị tập trung thảo luận về 2 nội dung: Kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Kết quả khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường
Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan tích cực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường trên địa bàn TP bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong thời gian tới để tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được UBND TP giao; nhận thức của người dân và các tổ chức đã được nâng cao một bước.
Cụ thể, năm 2017, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn TP đã kiểm tra, thanh tra tại 2.583 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 751 cơ sở với tổng số tiền 18,4 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn TP đã kiểm tra, thanh tra tại 681 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 159 cơ sở với tổng số tiền 5,1 tỷ đồng.
UBND TP giao Sở Xây dựng đôn đốc khẩn trương triển khai các dự án cấp nước sạch theo Quy hoạch. Đến nay, khu vực đô thị tỷ lệ cấp nước đạt gần 100%; khu vực nông thôn đạt trên 52% và dự kiến đến cuối 2018 đạt 55%. TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư đăng ký triển khai thực hiện 34 dự án cẩp nước nông thôn.
Các dự án hoàn thành sẽ nâng tỷ lệ người dân nông thôn được cấp nước sạch đạt tỷ lệ khoảng 94% và phấn đấu 100% dân số Thủ đô (cả khu vực đô thị và nông thôn) được tiếp cận sử dụng nước sạch vào năm 2020. Ngoài ra, từ tháng 9/2016 đến nay, TP đã tập trung triển khai thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy- 3C. Đến nay, đã xử lý được 86 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; lắp đặt bè thủy sinh trên 49 hồ và máy sục khí trên 30 hồ nên chất lượng nước hồ đã được cải thiện.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục phát biểu tại Hội nghị.
TP đã xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh trên địa bàn. Đối với 43 cụm công nghiệp trên địa bàn TP đã đi vào hoạt động, có 25 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải và 18 CCN chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải. TP đã giao các nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải và quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn TP theo phương thức xã hội hóa. Đối với nước thải y tế, các bệnh viện T.Ư và bộ ngành đã được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng. Trong đó, có 14/21 bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN 28:2010/BTNMT về nước thải y tế; 7/21 bệnh viện đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Đối với các cơ sở y tế thuộc TP, có 45 phòng khám đa khoa khu vực và 34 bệnh viện tư nhân trên địa bàn đều có hệ thống xử lý nước thải và đảm bảo đủ tiêu chuẩn về xử lý chất thải lỏng y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, TP đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến). Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí được công bố công khai trên website của UBND TP và của Sở TN&MT. Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành Trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục nước thải và Trạm quan trắc môi trường di động, tự động không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn). Đối với xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường làng nghề và nông thôn, UBND TP đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Số vụ vi phạm trật tự xây dựng giảm mạnh
Về kết quả 1 năm thực hiện Kế hoạch 125/KH-UBND về việc khắc phục các hạn chế, yếu kém; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, báo cáo do Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục trình hội nghị cho biết, việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là các vi phạm tồn đọng đã có chuyển biến tích cực.
Cụ thể, năm 2017, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra tất cả các công trình xây dựng phát sinh (17.422 công trình) và phát hiện 1.916 công trình có vi phạm, chiếm tỷ lệ 11% (giảm 2% so với cùng kỳ). UBND cấp xã, cấp huyện đã giải quyết vi phạm 1.517 công trình; ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 12,2 tỷ đồng.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 100% các công trình xây dựng (15.299 công trình) và lập hồ sơ vi phạm 824 trường hợp (tương ứng tỷ lệ 5,39% trên tổng số công trình) giảm 867 trường hợp (51,27%) so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, số công trình xây dựng không phép phát hiện 287 trường hợp (giảm 55,57%) và xây dựng trên đất nông nghiệp là 308 trường hợp (giảm 55,81%).
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu tại Hội nghị.
Về kết quả xử lý 132 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng từ nhiều năm, đến tháng 4/2018 đã xử lý được 12 trường hợp; chấp thuận hợp khối kiến trúc mặt đứng với các công trình liền hề hoặc cấp phép có điều kiện, đảm bảo không gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị đối với 88 trường hợp và tiếp tục xử lý, thu hồi phục vụ mục đích công cộng đối với 32 trường hợp không đủ điều kiện. Đối với 552 trường hợp nhà, đất siêu mỏng, siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông từ năm 2013 đến nay, toàn TP đã giải quyết được 493 công trình, đạt tỷ lệ gần 90%. Đang tiếp tục xử lý đối với 59 trường hợp và dự kiến xong trong năm 2018.
Cũng theo báo cáo của Giám đốc Sở Xây dựng, nhằm chấn chỉnh tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng cùng cấp ủy, UBND các quận, huyện, thị xã chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Đội cũng như các bộ phận… Qua đó, tình trạng cố tình vi phạm đã giảm mạnh.
Trần Long – Phạm Hùng/Kinh tế Đô thị