25/05/2022

Hà Nội: Giải pháp đẩy nhanh cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là một trong những nhiệm vụ định hướng dài hạn phát triển Thủ đô, cải thiện chất lượng về nhu cầu ở cho người dân và chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kết quả rà soát năm 2020, trên địa bàn Thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, hiện nay đang tiếp tục rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục. Đến nay, đã có 19 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng và 14 dự án đang triển khai.

Theo công tác tổng kết, đánh giá công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố thời gian qua thì việc rà soát danh mục hiện trạng nhà chung cư cũ, đánh giá hiện trạng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng yêu cầu sử dụng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành (Hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, PCCC, cây xanh, vệ sinh môi trường, chỗ để xe, công trình trường học, nhà văn hóa…), 19 dự án đã hoàn thành đầu tư theo 03 mô hình, 14 dự án đang triển khai; cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D; rà soát, kiểm định chất lượng chung cư cũ; nghiên cứu quy hoạch chi tiết; giải phóng mặt bằng, bồi thường, bố trí tái định cư, tạm cư (nhà ở tạm thời); các cơ chế ưu đãi, điều kiện thực hiện…

Vì vậy, Thành phố đã tổng hợp những nội dung khó khăn, vướng mắc chính gồm 06 nhóm, 20 vấn đề về: rà soát, kiểm định chất lượng và lập kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch; lựa chọn chủ đầu tư dự án; giải phóng mặt bằng và bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tạo lập quỹ nhà tạm cư (nhà ở tạm thời); ưu đãi đầu tư.

Theo đó, thành lập Hội đồng thẩm định của UBND Thành phố để tổ chức thẩm định, ban hành kết luận kiểm định nhà chung cư cũ; ban hành Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; yêu cầu, nội dung kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư phải xác định rõ nhà chung cư không bị hư hỏng hoặc nhà chung cư bị hư hỏng thuộc diện phải phá dỡ.

Giao UBND cấp huyện tiếp tục rà soát, thống kê danh mục, số liệu hiện trạng chung cư cũ trên địa bàn để thiết lập hồ sơ phục vụ công tác quản lý; rà soát, lập Kế hoạch bảo trì, đảm bảo an toàn sử dụng nhà chung cư trên địa bàn theo từng năm; khẩn trương thực hiện di dời các chủ sở hữu ra khỏi nhà chung cư nguy hiểm; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trật tự xây dựng, gây mất an toàn tại các nhà chung cư cũ trên địa bàn quản lý.

Tiếp đến, ban hành Kế hoạch nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Đồng thời với quá trình nghiên cứu lập quy hoạch, cơ quan được giao tổ chức lập quy hoạch chi tiết có trách nhiệm chủ trì, khảo sát, xác định phạm vi, ranh giới phần diện tích đất thuộc diện được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền chuyển mục đích sử dụng đất; diện tích hiện trạng căn hộ cũ (ghi trong Giấy chứng nhận được cấp qua các thời kỳ hoặc diện tích đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận), diện tích khác trong nhà chung cư của các tổ chức, cá nhân, nhà nước; diện tích hiện trạng nhà tầng 1 để kinh doanh; diện tích nhà sử dụng chung; diện tích đất, diện tích sàn xây dựng nhà ở của công trình nhà ở riêng lẻ trong phạm vi, ranh giới dự án; diện tích đất, diện tích sàn xây dựng trụ sở, nhà làm việc thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức; diện tích đất, diện tích sàn xây dựng công trình thuộc sở hữu Nhà nước và các diện tích khác theo quy định Nghị định số 69.

Đồng thời, ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố – Đợt 1, định kỳ 06 tháng/lần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở kết quả kiểm định nhà chung cư cũ.

Thành lập Tổ công tác của UBND Thành phố để xây dựng, trình UBND Thành phố ban hành tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư và các cơ chế chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Thành phố; quy định 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định Nghị định số 69, gồm: Các chủ sở hữu thống nhất lựa chọn, đấu thầu lựa chọn, Nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Thành lập Hội đồng thẩm định của UBND Thành phố, UBND cấp huyện thành lập Hội đồng thẩm định của địa phương để xem xét, thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung theo quy định Nghị định số 69.

Tạo lập quỹ nhà ở tạm thời (tạm cư) để bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Thực hiện chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chuyển mục đích sử dụng đất… theo quy định của Nghị định số 69 và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 69 và các quy định theo thẩm quyền của UBND Thành phố theo quy định Nghị định số 69 nhằm thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.

Hạ Ly/BXD