29/11/2021

Hà Nội dự kiến lập quy hoạch không gian ngầm, các phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên

Hà Nội dự kiến hoàn thành quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm và quy hoạch các phân khu của đô thị vệ tinh Phú Xuyên và Xuân Mai trong năm 2022.

Tiến độ quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống

Tại báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và kế hoạch năm 2022 phục vụ họp tiếp xúc cử tri Kỳ họp thứ 3 HĐND khóa XVI, UBND TP Hà Nội đã cho biết một số kết quả về công tác quy hoạch của thành phố.

Theo đó, năm nay, Hà Nội đã phê duyệt thêm 4 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích 2.710 ha. Hiện các đơn vị liên quan đang tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý IV/2021. Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đang xin ý kiến Bộ Xây dựng.

Hà Nội cũng đang đẩy nhanh 31 quy hoạch phân khu thuộc 05 đô thị vệ tinh (Bộ Xây dựng đã có ý kiến đối với 06 đồ án) và Quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ…

Hà Nội đang xin ý kiến Bộ Xây dựng về đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống đang được Hà Nội (Ảnh tư liệu minh họa: HV)

Về lĩnh vực nhà ở, Hà Nội đã hoàn thành 6 dự án nhà ở thương mại với 351.924 m2 sàn; 2 dự án nhà ở xã hội với 88.211 m2 sàn; 5 dự án tái định cư với 105.760 m2 sàn. UBND các quận, huyện, thị xã và các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã kiểm tra 14.772 công trình (100% công trình), qua đó phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 330 trường hợp có vi phạm (tỷ lệ 2,24%)…

Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, các đơn vị liên quan đã tổ chức bàn giao mốc giới và định vị mốc giới phục vụ công tác GPMB cho 359 dự án. Hà Nội đã triển khai Dự án xây dựng tổng thể hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, đến nay cơ bản thực hiện hạng mục đo đạc trên 27/27 địa bàn thuộc phạm vi dự án.

UBND TP Hà Nội nhận định, công tác xác định, thu nghĩa vụ tài chính về đất đai còn chậm; thu đấu giá quyền sử dụng đất, tiến độ giao đất dịch vụ, cấp giấy chứng nhận đất đai kết quả chưa cao.

“Tình trạng dự án chậm GPMB, chậm tiến độ đầu tư, nhà đầu tư chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng để triển khai dự án, đưa đất vào sử dụng vẫn còn tồn tại. Công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện quy hoạch sử dụng đất, danh mục thu hồi đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và công tác hậu kiểm các dự án được giao đất chưa quyết liệt,” văn bản của UBND Hà Nội nêu rõ.

Hoàn thành quy hoạch không gian ngầm, các phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên vào năm tới

Về một số kế hoạch năm 2022 liên quan đến công tác quy hoạch, đất đai, UBND Hà Nội cho hay, thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ: Lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch phân khu đô thị tại Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ như Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Kim Liên…

Hà Nội đặt mục tiêp hoàn thành quy hoạch không gian ngầm; phân khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên, Xuân Mai và chỉ giới đường đỏ vành đai 4 trong năm 2022 (Ảnh tư liệu minh họa: Hạ Vũ)

UBND TP Hà Nội phấn đấu hoàn thành: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên, Xuân Mai; chỉ giới đường đỏ tuyến đường vành đai 4…

Thành phố tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị; chỉnh trang khu vực đô thị cũ; cải tạo, xây mới các khu chung cư, tập thể cũ; huy động nguồn lực phát triển các không gian ngầm công cộng tại khu vực nội đô lịch sử. Phấn đấu hoàn thành diện tích sàn xây dựng nhà ở đạt 1,23 triệu m2; sàn xây dựng nhà ở xã hội đạt 0,192 triệu m2.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác, vận hành tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ dự án điểm thông quan nội địa thành phố Hà Nội, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; mở rộng vùng phục vụ, hợp lý hóa mạng lưới các tuyến xe buýt, đa dạng hóa phương tiện xe buýt…

Trong công tác đất đai, thành phố đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giao đất dịch vụ; tăng tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đất đai, nhất là cho tổ chức tôn giáo. Đáng chú ý, UBND TP cho biết sẽ hoàn thành phê duyệt danh mục và triển khai thực hiện theo lộ trình cơ sở nhà, đất, cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời theo quy hoạch.

Sơn Thuỷ/Doanh nhân Việt Nam