Hà Nội đề xuất “gỡ vướng” để đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sông Hồng
Mặc dù đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, nhưng hiện thực về một thành phố ven bờ vẫn chưa thể đẩy nhanh, khi quy hoạch phòng chống lũ vẫn còn vướng mắc. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phòng chống lũ (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).
Theo UBND thành phố Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định, đã nhận được góp ý của chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, hiện nay, quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố, tích hợp vào “Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để có cơ sở triển khai, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến thống nhất giải quyết về quy hoạch xây dựng, về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu. Trong đó, thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường và đê từng khu vực và hệ thống toàn tuyến trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ mà nghiên cứu hệ thống cốt nền dọc bờ sông phù hợp, không gây cản lũ…
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Đào Trọng Tứ – Trưởng ban điều hành mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho rằng, trong quy hoạch đô thị sông Hồng, quan trọng nhất là vấn đề phòng chống lũ: “Phải gắn liền quy hoạch phòng chống lũ cho lưu vực sông Hồng và sông Hồng qua phần hạ lưu như thế nào? Trong tương lai ra làm sao? Có những trường hợp gì xảy ra? Đặc biệt là vấn đề, câu chuyện liên quan đến sự cố, tức là đầu tiên quy hoạch này phải được gắn rất chặt và tuân thủ một cách tuyệt đối với câu chuyện đánh giá của quy hoạch lũ”.
Thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, quản lý sử dụng bãi sông cũng như các khu vực dân cư, những nơi cần bảo vệ, cần di dời để làm căn cứ lựa chọn giải pháp quy hoạch. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về cơ sở xác định ranh giới, quy mô, diện tích đất bờ sông, diện tích bãi nổi thuộc bãi sông Hồng và phương án nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT cho biết, từ Quyết định 257 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã cập nhật quy hoạch Thủ đô để tính toán đảm bảo an toàn chống lũ, với tần suất 500 năm xuất hiện một lần.
Là một trong những quận, huyện có nhiều diện tích đất khu vực ngoài bãi sông Hồng (hơn 900ha, trong đó có khoảng 100ha đất thuộc làng xóm cũ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cảng kho…), ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai cho rằng, việc ngành chức năng sớm phê duyệt được quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là cơ sở quan trọng để địa phương quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống dân sinh.
Hai bờ sông Hồng đoạn qua địa bàn Hà Nội là khu vực có nhiều tiềm năng, với diện tích gần 11.000ha, khoảng 900.000 người dân sinh sống, kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến huyện Phú Xuyên. Việc sớm phê duyệt được quy hoạch phòng chống lũ sẽ là tiền đề quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa giấc mơ về thành phố hai bên bờ sông Hồng./.
Huy Nam/Báo Pháp luật