14/11/2019

Hà Nội: Đề xuất “cứu” di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có Công văn gửi UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả sơ bộ thăm dò, khai quật di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức). Kèm đó là đề xuất giải pháp bảo tồn khu di chỉ, vốn đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

Theo Công văn, trong tháng 10, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) khi xây dựng đường nội bộ và san nền khu đô thị Kim Chung – Di Trạch đã xâm phạm vào khu vực di tích Vườn Chuối. Hiện ở đây có 3 gò thì gò Mỏ Phượng đã bị san lấp gần như hoàn toàn. Gò Dền Rắn bị san lấp 50%. Nạn đào trộm cổ vật diễn ra công khai.

Di chỉ Vườn Chuối

Di chỉ Vườn Chuối

Trước đó, các nhà khoa học đã đề xuất 3 phương án bảo tồn tổng thể khu Vườn Chuối. Sở Văn hóa Hà Nội đồng ý phương án 3. Đó là bảo tồn khoanh vùng toàn bộ nửa phía Đông gò Vườn Chuối. Các gò còn lại cần được khai quật di dời các di tích khảo cổ. Sau đó trả lại mặt bằng để xây dựng đường vành đai 3.5 và xây dựng khu đô thị. Trong thời gian diễn ra khai quật, di chỉ này cần được bảo vệ một cách nghiêm túc.

Chiều 13/11, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết đã đề nghị UBND thành phố có văn bản gửi Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối theo Luật Di sản văn hóa. Trường hợp nghi vấn phát hiện di tích, cổ vật thì ngừng thi công, báo cho UBND huyện Hoài Đức, Ban Quản lý di tích danh thắng thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Đề nghị Hà Nội chỉ đạo huyện Hoài Đức có phương án bảo vệ, ngăn chặn đào trộm cổ vật.

Trước đó, tại số báo 271 ngày 12/11, Báo GD&TĐ đã có bài phản ánh về nguy cơ di chỉ 3.500 tuổi biến mất. Theo đó, cụm di chỉ này đã được nhiều nhà khoa học khẳng định về giá trị. Tuy nhiên, nó đang đứng trước nguy cơ biến mất bởi việc thi công đường vành đai 3.5.

Theo Viện Khảo cổ học, cụm di chỉ này đã được các nhà khảo cổ phát hiện và nghiên cứu từ 1969. Qua nghiên cứu kết luận: Cụm di chỉ Vườn Chuối là một phức hệ di tích phát triển liên tục qua các giai đoạn Đồng Đậu – Gò Mun – Đông Sơn. Mỗi lần khai quật đều đem lại những kết quả và tư liệu mới cho công tác nghiên cứu khảo cổ học, góp phần làm sáng tỏ lịch sử Hà Nội thời tiền sơ sử…

Sau nhiều lần khảo sát, khai quật, các nhà khảo cổ phát hiện 15 ngôi mộ giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Hàng trăm hiện vật đồ đá, 40 hiện vật đồ đồng đã được tìm thấy.

Trước việc thi công gây ảnh hưởng đến di chỉ Vườn Chuối, TS Nguyễn Doãn Văn – Trưởng ban Quản lý Di tích và Danh thắng Hà Nội cho biết: “Trong trường hợp có xuất lộ và bất thường về hiện vật phải dừng thi công ngay và báo cáo cơ quan chức năng, tuân thủ quy trình của Luật Di sản văn hóa…”.

Đăng Chung/Giáo dục và Thời đại