UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 264/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch xác định, năm 2022, toàn thành phố phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 1,3-1,7% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu; đồng thời, đạt chỉ tiêu 60% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiết kiệm năng lượng; 70% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 55% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 70% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định.
Thành phố cũng bảo đảm tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của Quy chuẩn
Hà Nội đặt mục tiêu đạt 55 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng “năng lượng xanh”, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 2-3 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia và khu vực ASEAN.
Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) đã trao tặng cho Toà nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc (Hà Nội) chứng nhận LOTUS Bạch kim, mức chứng nhận cao nhất trong hệ thống đánh giá LOTUS dành cho công trình xây dựng xanh
Trong khuôn khổ chương trình trên, thành phố sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho 1.000 lượt cán bộ kỹ thuật, người quản lý năng lượng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, công trình xây dựng; đào tạo và cấp chứng chỉ 25-30 cán bộ quản lý năng lượng. Ngoài góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành, phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016-2020, thành phố còn đặt mục tiêu phấn đấu đạt 45% trường học có hoạt động tuyên truyền, giảng dạy về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngoài giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND thành phố còn triển khai 5 nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả chương trình trên. Trong đó, huy động và ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát triển dịch vụ tư vấn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đặc biệt, thành phố sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ và các tổ chức tư vấn. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước trong hợp tác quốc tế thực hiện chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực về tiết kiệm năng lượng.
PV