Hà Nội dâng hương tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn
Ngày 27/11, UBND huyện Ba Vì, Hà Nội cũng nhân dân trên địa bàn long trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn, ngày chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện Ba Vì và tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội.
Tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ, nơi phụng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn, Huyện ủy, HĐND – UBND – UBMTTQ huyện Ba Vì long trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ.
Trong buổi lễ này, ông Đỗ Mạnh Hưng – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết: “Trong giờ phút trang nghiêm của Lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa Đức thánh Tản Viên Sơn, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì kính dâng lên Đức Thánh lễ vật và nén tâm hương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức cao cả của Ngài, Giữa chốn linh khí bốn phương hội tụ. Trước anh linh Đức Thánh Tản, chúng con xin được tri ân công đức của ngài, cầu mong Ngài phù hộ độ trì cho thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Trong tâm thức dân gian của người dân xứ Đoài, đặc biệt là ở vùng núi Tản Ba Vì, núi Ba Vì là ngọn “chủ sơn” của nước Việt, là nơi phát tích của truyền thuyết về Sơn Tinh – Thủy Tinh, về Đức Thánh Tản – Vị thần đứng đầu hàng “Tứ bất tử” trong thần điện Việt. Ngài không chỉ là thành hoàng bảo trợ cho làng xã mà còn được nhân dân tôn thờ là Phúc Thần, Thượng đẳng tối linh thần. Vượt qua không gian và thời gian, Đức Thánh Tản được coi là vị anh hùng trị thủy, anh hùng văn hóa, anh hùng dân tộc từ thủa mở mang bờ cõi. Ngài là nhân vật anh hùng sáng tạo văn hóa, tạo ra lửa, khơi nguồn nước cứu nạn dân chúng, dạy dân các nghề nghiệp khác nhau và được tôn thờ như một vị tổ sư bách nghệ. Tôn vinh công trạng, ân đức của Ngài, nhân dân tôn kính và lập nhiều đền thờ trên địa bàn huyện Ba Vì và ở nhiều nơi trong vùng văn hóa Xứ Đoài địa linh nhân kiệt.”
Di tích LSVH Đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên, bên Sông Đà thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa (nay là xã Minh Quang – Ba Vì – Hà Nội). Đền Hạ xuất hiện muộn hơn so với đền Trung và đền Thượng. Tương truyền, thuở nhỏ, ba anh em Sơn Tinh từ Lăng Sương sang núi Ngọc Tản kiếm củi, nhiều hôm trời tối không về kịp, ba anh em phải đốn cây rừng dựng lều ngủ lại. Về sau nhân dân đã xây dựng đền ngay tại nơi đây để thờ Ngài và gọi là đền Hạ. Đền Hạ được xây dựng từ lâu và được trùng tu sửa chữa qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Các tài liệu không cho biết đầy đủ về các cuộc trùng tu sửa chữa đền. Theo trí nhớ của dân địa phương, trước đây đền có quy mô bề thế, tòa ngang dãy dọc. Đến khoảng năm 1962, chính quyền địa phương cho dỡ đền để xây công sở và cho dân vào ở trong khu vực đền. Năm 1993 nhân dân địa phương và thập phương công đức xây mới đền Hạ bao gồm: Nghi môn, Tiền bái, Hậu cung, điện thờ Mẫu, điện thờ Hồ Chủ Tịch và một số công trình phụ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản. Ngoài ra, ông Đỗ Mạnh Hưng cũng đề nghị: “Tôi đề nghị Ban Quản lý Di tích LSVH Quốc gia Đền Hạ cần có trách nhiệm triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo quản, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của công trình, tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích…”.
Hải Yến