Hà Nội: Công khai lấy ý kiến về đồ án quy hoạch khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500
UBND quận Tây Hồ, Hà Nội vừa công khai lấy ý kiến về đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Đồ án đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, đặc biệt là của người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn quận…
Theo thông tin từ quận Tây Hồ, đồ án quy hoạch 1/500 này có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 77,46 ha. Trong đó, quy mô diện tích lập quy hoạch 45,3 ha, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.
UBND quận khẳng định, quy hoạch chi tiết này là phù hợp với quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt và là một bước cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khu vực Hồ Tây được hoạch định là khu vực trung tâm, là trục không gian lịch sử, văn hóa lớn của Thủ đô. Trong đó, khu vực trọng tâm sẽ là bán đảo Quảng An, Sông Hồng và Thành Cổ Loa, với các tuyến đường cần thiết như: vành đai 2 đi Nhật Tân, tuyến đường bao quanh Hồ Tây… được thiết kế không gian, cảnh quan mở, có nhiều điểm nhìn rộng.
Với định hướng này, người dân tại các khu dân cư, đô thị xung quanh Hồ Tây không chỉ được thừa hưởng không gian sống trong lành, hạ tầng xã hội đồng bộ mà còn có thêm lợi thế về giao thông cùng khuôn viên xanh – sinh thái, các khu thương mại – dịch vụ – khách sạn phục vụ du lịch, bãi đỗ xe, không gian ngầm kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung, các khu dân cư hiện hữu trong khu vực…
UBND quận Tây Hồ cũng cho biết, Hồ Tây có khoảng 400 ha cảnh quan mặt nước, xung quanh tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá mang đặc trưng bản sắc Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của nó. Do đó, quận xác định việc tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm dịch vụ văn hoá, thương mại, du lịch chất lượng cao… là cần thiết, nhằm khai thác tối ưu và bền vững những giá trị độc đáo riêng biệt ở đây mà không phải nơi nào ở thủ đô Hà Nội cũng có được.
Theo quy hoạch, phân khu chức năng, hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề. Trong đó có xây dựng 1 nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội, với trục không gian cảnh quan đảm bảo yêu cầu phục vụ cộng đồng (không ngăn chia chức năng sử dụng ngoài mục đích công cộng), kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành;
Tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối từ khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây – Hồ Tây – bán đảo Hồ Tây – Sông Hồng – thành Cổ Loa góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị… các di tích đình, đền, chùa hiện có;
Kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đồ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố. Cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.
Thanh Xuân/Vneconomy